Theo Bộ Xây dựng, trong quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 trong đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 7.124 doanh nghiệp, tăng 31,9%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.769 doanh nghiệp, tăng 77,3%.
Số liệu cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã dần phục hồi so với thời điểm năm 2021, khi mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.
Với việc kiểm soát chặt chẽ của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.
Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến cho phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động của môi giới và các sàn giao dịch bất động sản
Trong giai đoạn đầu năm 2022 hoạt động của thị trường bất động sản đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các sàn giao dịch đã trở lại hoạt động; đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động, hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I, quý II/2022, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản.
"Tuy nhiên, trong quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo", đại diện Bộ cho biết.
Những bất cập của thị trường bất động sản
Cùng với đó, trong quý III/2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều các cơ chế chính sách đã giúp cho thị trường bất động sản được điều chỉnh.
Theo đó, tại các địa phương không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được tăng cường kiểm soát. Các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Qua đó các tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực sự lành mạnh, bền vững.
Cụ thể, nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều, nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý.
Nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).
"Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II/2022 ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp"", Bộ này đánh giá.
Trong quý III/2022, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước (một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư).
 
Phương Hoàng
Nhịp sống thị trường
 

Tin liên quan

19/10/2022
Nguồn cung sơ cấp nhỏ giọt, liệu có thúc đẩy thị trường thứ cấp “bật dậy” cuối năm?

Mới đây, trong báo cáo thị trường quý 3/2022, đại diện CBRE Việt Nam chỉ ra, giá căn hộ thứ cấp tăng khoảng 25% so với cùng kì năm ngoái, có nơi mức tăng đạt từ 30%/năm.

19/10/2022
Savills: 78% nguồn cung biệt thự/nhà phố TP.HCM có giá trên 18 tỷ đồng

Ông Troy Griffiths Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, mức thanh khoản thấp ở TP.HCM đã tạo cơ hội cho bất động sản liền thổ ở các tỉnh, khu vực lân cận, nơi mà giá thành rẻ hơn.

17/10/2022
Cơ hội nào cho thị trường bất động sản năm 2023?

Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như hiện nay và đến hết năm 2022, các nhà đầu tư, doanh nghiệp địa ốc cần có định hướng và chuẩn bị đúng xu hướng để đến khi thay đổi chính sách sẽ nắm bắt cơ hội lớn, tạo lập vị thế mới.