Giá nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại tại Hà Nội đã có sự tăng vượt trội khi giá thứ cấp đã lên tới 5.034 - 6.588 USD/m2, cao hơn so với TP.HCM ở sản phẩm cùng phân khúc…
Giá nhà phố bình quân tại Hà Nội đã tăng lên trên 5.000 USD/m2.
Giá nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại tại Hà Nội và TP.HCM có sự trái chiều trong 3 quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
GIÁ NHÀ PHỐ TẠI HÀ NỘI TRÊN 5.000 USD/M2
Theo CBRE, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỷ lệ hấp thụ nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại giảm nhưng nhu cầu vẫn ổn định khiến giá thứ cấp tăng mạnh tại Hà Nội.
Tại phân khúc này, thị trường Hà Nội và TP.HCM có sự trái chiều trong 3 quý đầu năm 2021 so với 2020. Nếu như tại Hà Nội, nguồn cung và số lượng căn nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại bán được trong 3 quý đầu năm 2021 đều tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2019.
Ngược lại, TP.HCM có nguồn cung và lượng căn bán trong 3 quý đầu năm 2020 tăng vọt, cao hơn so với trước dịch là năm 2019. Tuy nhiên, 3 quý đầu năm 2021 lại giảm mạnh so với cùng kỳ 2020 và 2019. Điều này cho thấy, sự giãn cách xã hội kéo dài 04 tháng trong năm 2021 là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường xây dựng cũng như giao dịch bất động sản tại khu vực này.

Giao dịch nhà phố, biệt thự tại Hà Nội và TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020 và 2019 - Nguồn: CBRE.
Về giá bán, thị trường Hà Nội đã bật lên mạnh mẽ khi trong quý 3/2021, giá bán thứ cấp nhà phố, biệt thự, nhà phố thương mại đều có mức giá trên 5.000 USD/m2 (117 triệu đồng/m2). Đây là mức giá vượt trội so với TP.HCM ở cùng phân khúc, đặc biệt ở nhà nhà phố và nhà phố thương mại cao hơn khoảng 15-25%.
Cụ thể, tại Hà Nội giá bình quân loại hình sản phẩm biệt thự ở mức 5.034 USD/m2 (118 triệu đồng/m2), nhà phố ở mức 5.349 USD/m2 (125 triệu đồng/m2), nhà phố thương mại 6.588 USD/m2 (154 triệu đồng/m2).
Tương ứng tại TP.HCM biệt thự ở mức 4.901 USD/m2 (115 triệu đồng/m2), nhà phố ở mức 4.202 USD/m2 (98 triệu đồng/m2), nhà phố thương mại 5.595 USD/m2 (131 triệu đồng/m2).
Ghi nhận của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá nhà riêng, nhà mặt phố tại Hà Nội tăng chóng mặt trong 3 năm qua. Nếu như, năm 2019, giá nhà riêng ở Hà Nội chỉ 89 triệu đồng/m2 (TP.HCM là 97 triệu đồng/m2), năm 2020 tăng nhẹ lên mức 92 triệu đồng/m2 (TP.HCM 101 triệu đồng/m2) thì đến năm 2021 giá đã tăng vọt lên 102 triệu đồng/m2 (TP.HCM 103 triệu đồng/m2).
Đối với phân khúc nhà phố tại Hà Nội hiện đang cao hơn so với TP.HCM khi đạt mức 359 triệu đồng/m2 (TP.HCM là 349 triệu đồng/m2 ). Trong khi đó 02 năm trước vẫn thấp hơn TP.HCM khi chỉ ở mức 304 triệu đồng/m2 so với TP.HCM là 305 triệu đồng/m2 vào năm 2019. Đến năm 2020, giá sản phẩm này tại Hà Nội cũng chỉ tăng nhẹ lên 309 triệu đồng/m2, vẫn thấp hơn so với TP.HCM là 322 triệu đồng/m2.
Theo Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấo cao của CBRE, nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc, Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý 3/2021 lại giảm mạnh so với cùng kỳ 2020 và 2019. Tuy nhiên, trong tháng 10 và 11/2021 mức độ quan tâm đã tăng nhẹ trở lại 4% so với cùng kỳ 2020 và 2019.
Loại hình bất động sản được quan tâm nhất trong năm 2021 là đất nền (chiếm tỷ trọng về mức độ quan tâm là 32%) và chung cư (20%).
Khu vực được quan tâm nhất là Hà Nội (tỷ trọng 40%) và TP.HCM (29%). Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến các thị trường tại các địa phương như: Bình Dương là 4%, Đà Nẵng, đồng Nai và Khánh Hoà đều 3%...
VỐN VẪN ĐỔ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
Nhận định về thị trường bất động sản, theo ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ trọng đóng góp vào GDP trong 9 tháng đầu năm 2021 khoảng 3,6% và bị tác động bởi Covid-19 ở mức vừa phải, nhưng ngành xây dựng lại bị thiệt hại nhiều khi đóng góp 5,6% vào GDP. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản đã được kiểm soát.
Triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng sẽ có những bước tiến khi pháp lý về đất đai đã và đang được tháo gỡ, như: Nghị định 148 năm 2020 và đất đai, Nghị định 69 năm 2021 về cải tạo chung cư cũ; 01 luật sửa 10 luật; Luật Đất đai dự kiến sửa đổi trong năm tới. Tỷ lệ đô thị hoá sẽ tăng nhanh để đáp ứng mục tiêu đạt mức 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030… sẽ góp phần làm cho bất động sản sôi động.
Ngoài ra, nguồn vốn cho bất động sản từ phía các ngân hàng thương mại vẫn tăng trưởng ở mức 6% trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản khoảng 36%.
Thị trường bất động sản vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi rót 2 tỷ USD vốn đăng ký mới vào lĩnh vực này trong 11 tháng đầu năm 2021, đứng thứ 3. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 983 triệu USD, chiếm 22,4%.
Theo nhiều chuyên gia, một yếu tố tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản là đầu tư công, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới thị trường này.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu hết niên độ kế hoạch năm 2021, đơn vị nào không giải ngân hết sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, không được bố trí lại.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch. Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2021 phải đạt 95%.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công.
Như vậy, sự quyết liệt của Chính phủ từ giải ngân đầu tư công nhằm phục hồi nền kinh tế trong năm 2022, đã gợi mở cho thị trường bất động sản sôi động trong thời gian tới khi có yếu tố thuận lợi từ vĩ mô.
Ban Mai – vneconomy.vn
 

Tin liên quan

13/12/2021
Chủ tịch Nguyễn Thành Long: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ra đời sẽ giúp thu hút vốn tốt hơn cho nền kinh tế

Ngày 11/12 Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt. Theo ông Nguyễn thành Long thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần có một Sở giao dịch thống nhất thị trường giao dịch để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng vị thế, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế.

13/12/2021
“Tôi cho rằng sẽ không có sốt đất vào năm 2022”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam. Vị chuyên gia này cho rằng, Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản.

10/12/2021
T.S. Đinh Thế Hiển: Lạm phát sẽ không xảy ra, nếu xuống tiền vào BĐS phải có tiềm lực tài chính tốt

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, lạm phát chắc chắn sẽ không xảy ra trong năm 2022 bởi năng lực sản xuất của nền kinh tế vẫn mạnh, chính sách quản lý tiền tệ của Chính phủ tốt…