Bộ Xây dựng khẳng định sốt đất xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ riêng đấu giá.
Tại buổi Họp báo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng kế hoạch năm 2022 của ngành Xây dựng diễn ra cuối tuần qua, Bộ Xây dựng chỉ ra giá đất chịu tác động từ nhiều yếu tố như: nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng và trong đó có đấu giá đất… Để biết được rõ mức độ tác động của các yếu tố đến biến động giá trên thị trường bất động sản, Bộ cần có những đánh giá kỹ lưỡng, bài bản và đầy đủ.
"Việc đấu giá bất thường có tạo ra đợt sốt đất mới hay không Bộ cũng đang chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát để có thông tin chính thống. Thứ hai, cơ hội tạo sốt đất không chỉ là do đấu giá, mà còn bởi nhiều yếu tố khác nữa", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, giá đất chịu tác động từ nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Tuy nhiên, Bộ cũng xác nhận giá nhà giao dịch trên thị trường năm 2021 tăng so với 2 năm trước ở một số trường hợp như: căn hộ cao cấp tăng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5%, cá biệt một số nơi tăng trên 10% như TP Hồ Chí Minh hay một số địa phương có xu hướng sáp nhập các đơn vị hành chính hoặc phát triển hạ tầng, trong đó giá thuê đất ở khu công nghiệp tăng từ 10 - 20%.
"Đây là xu hướng chung vì trong năm 2019 - 2020, nguồn cung của thị trường hạn chế do COVID-19, nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm nên chưa bán hàng. Trong khi nhu cầu, trong đấy có nhu cầu thật, có một phần nhu cầu của đầu tư vẫn phát triển, vẫn có. Vì vậy, nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ, mà nguồn cầu lại tăng", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay.
Về các giải pháp nhằm kiểm soát giá trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần kiểm soát chặt về tín dụng và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm bất động sản trong các dự án, trong đó giảm phân khúc nhà ở cao cấp.
Ngoài ra, một giải pháp vừa được Quốc hội thông qua là Nghị Quyết 43, nhà nước sẽ cung cấp nguồn tài chính nhất định cho vay phát triển nhà ở xã hội trong 2 năm 2022 - 2023; đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời thông tin về các quy hoạch và các dự án bất động sản.
Theo Thu Hương
VTV.VN
 

Tin liên quan

21/01/2022
Hà Nội: Xuất hiện 2 phân khúc bất động sản tăng vọt, giá bán vài trăm triệu đồng/m2

Trong quý IV/2021, xuất hiện trường hợp khác biệt về giá với mức tăng 82% cho biệt thự, 30% với nhà phố. Các chủ đầu tư không thay đổi bảng giá song giá trung bình vẫn tăng do nguồn cung mới đắt đỏ.

21/01/2022
Bất động sản dự báo tích cực, song 2021 có vài vấn đề cần để ý

Nhận định trên được Hội Môi giới bất động sản đưa ra tại báo cáo tổng quan nhìn lại thị trường năm 2021 và dự báo năm 2022.

21/01/2022
Nhà đầu tư đang ‘đổ xô’ về vùng ven, thị trường khu vực này trở nên sôi động

Trong năm 2022, nguồn cung và nhu cầu mới của phân khúc bất động sản đất nền được dự báo sẽ phục hồi và tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển về các vùng lân cận đô thị lớn Hà Nội và TP. HCM.