Không chỉ BĐS các khu đô thị lớn như Hà Nội hay Tp.HCM mà các tỉnh lân cận, các vùng xa xôi giá BĐS đều biến động tăng trong những tháng đầu năm.
Việc tăng giá cũng diễn ra ở hầu hết các phân khúc, loại hình BĐS, từ nhà chung cư, nhà phố, biệt thự, đến đất nền thổ cư, đất nông nghiệp, đất vườn.
Đáng nói, cơn nóng về giá diễn ra trong bổi cảnh nhiều địa phương đã ra văn bản cảnh báo, chấn chỉnh hiện tượng này. Giá có dấu hiệu lan rộng, từ TP đến nông thôn, lên các vùng cao, ở những nơi từ trước đến nay chưa bao giờ sốt đất. Theo một số chuyên gia, sốt giá ở thời điểm này là dạng "sốt tâm lý", việc giá tăng lan rộng ở khắp nơi chưa hẳn biểu hiện cho thanh khoản tương xứng. Thế nhưng, mặt bằng giá vẫn tiếp đà tăng ở hầu hết các tỉnh thành, phân khúc.
Báo cáo của Bộ Xây dựng quý 1/2022, chỉ ra, giá bình quân toàn thị trường đều có xu hướng tăng ở 8 địa phương là TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước. Căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - giá bất động sản tiếp tục tăng trong đại dịch, đặc biệt phân khúc đất nền trong hai năm qua. Bình quân tại các tỉnh vào năm 2021, giá bất động sản ở các dự án tăng 5 - 7%, giá nhà ở riêng lẻ tăng 15 - 20%, đất nền tăng 20 - 30%, có nơi tăng 50%.
Đáng nói, những vùng cao, vùng nông thôn, giá đất liên tục biến động trong những tháng đầu năm trước những thông tin quy hoạch, dự án mới.
Chẳng hạn như, tại tỉnh Lâm Đồng, mới đây sốt đất tiếp tục diễn ra tại huyện Cam Lâm khi thông tin quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay. Giá đất vì thế cũng biến động tăng từng ngà. Nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản từ các nơi đổ xô đến xem đất, mua đất, đẩy giá lên cao.
Nhiều  lô đất trước kia có giá dưới 100 triệu đồng/mét ngang, nay được đẩy lên 180 - 300 triệu đồng/mét ngang. Đặc biệt, có lô đất vườn tăng giá 3-4 lần, từ mức chỉ 500-700 triệu đồng, được "thổi" lên 2-3 tỷ đồng.
Giao dịch đầu năm cũng tăng nhanh theo thông tin quy hoạch. Tính đến hết quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền thu về hơn 11.911 tỷ đồng. Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 lô đất nền giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 lô đất nền; huyện Đức Trọng với 1.648 lô đất nền; TP. Đà Lạt với 1.162 lô đất nền; huyện Bảo Lâm với 1.105 lô đất nền...
Đứng trước tình trạng giá tăng nóng, UBND huyện Cam Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung liên tục ra văn bản siết chặt tình trạng phân lô, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất…Thế nhưng, gần như giá vẫn âm thâm biến động ở các địa phương. So với thời điểm 2-3 năm trước, mặt bằng giá đã thiết lập hoàn toàn khác.
Sau Tết Nguyên Đán, sốt đất cũng diễn ra tại Hà Tỉnh khi có thông tin dự án Khu Công nghiệp VSIP và dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina đầu tư tại đây. Theo đó, giá đất khu vực thôn Lộc Thọ (xã Việt Tiến) tăng cao từng ngày khi giới kinh doanh bất động sản nườm nượp đổ về đây săn đất. Các lô đất từ 1 - 1,5 tỷ đồng tăng nhanh  lên 2 - 2,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian ngắn. Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh, 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 9.144 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tăng 16% so với 2 tháng cuối năm 2021, tăng cao tại các địa phương: thị xã Kỳ Anh, các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ.
Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An cũng là các địa phương được gọi tên đầu năm 2022, khi mặt bằng tăng 3-4 lần so với năm 2021. Tại các khu vực thuộc Quảng Trị như huyện Vĩnh Linh, khu vực ven TP. Đông Hà, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), huyện Thiệu Phong… Hơn hai tháng đầu năm 2022, giá đất tại các khu vực này tăng vọt gấp nhiều lần. Tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.
Không chỉ giá BĐS tăng, trước ảnh hưởng thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép, giá thép trong nước trong quý 1/2022 cũng có xu hướng tăng mạnh. Bắt đầu từ giữa tháng 2/2022 đến thời điểm hiện nay, giá thép xây dựng trên cả nước đã tăng mạnh (khoảng tăng giá từ 600-1.200 đồng/kg) và chưa có dấu hiệu giảm xuống. Giá thép xây dựng các loại hiện khoảng 18.600-20.600 đồng/kg tại các khu vực Bắc, Trung, Nam (giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của Hòa Phát, miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng, 19.000 đồng/kg...; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg). Trung bình quý 1/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đ/kg, tăng 3,5% so với quý 4/2021. Việc giá vật liệu xây dựng tăng, dự báo giá BĐS sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, tình hình lạm phát biến động trượt giá làm giá bất động sản tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, nơi vốn không có hàng rẻ, vì mọi thứ đều bị đẩy giá lên đỉnh điểm.
Mặc dù giá bất động sản tăng lên, nhưng tính thanh khoản theo các chuyên gia trong ngành, chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh: Khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần trong thời gian qua và giá giữ ở mức cao, khó thanh khoản.
Bảo Anh
Theo Trí thức trẻ
 

Tin liên quan

21/04/2022
Bất động sản tăng quá nhanh, giá nhà Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập

Do thiếu nguồn cung trong lúc nhu cầu nhà ở rất lớn khiến giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà Việt Nam đang cao gấp 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.

08/04/2022
Giá đất nền tăng chóng mặt, nơi nào đang tăng mạnh nhất?

Trong quý đầu năm, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn thời điểm trước dịch COVID-19. Giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng tại nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận,...

07/04/2022
Đón đầu xu hướng bật tăng của du lịch, nhà đầu tư đang săn đón phân khúc khách sạn

Theo đánh giá của CBRE, khách sạn là một trong những phân khúc được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị.