Phía sau "mạch máu" bất động sản (BĐS) là hàng chục ngành nghề, lĩnh vực. Việc siết tín dụng BĐS bất hợp lí theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh sẽ tạo nên những hiệu ứng ngược, ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí "kéo tụt" nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Ông đánh giá ra sao về động thái siết tín dụng BĐS thời gian gần đây của các ngân hàng?
Về chủ trương, siết tín dụng BĐS là để gạt bớt những người kinh doanh chộp giật, giúp thị trường thanh lọc nhà đầu tư là cần thiết để giúp thị trường công khai, minh bạch và ổn định hơn.
Như vậy siết tín dụng có thể hiểu là giải pháp gốc rễ giải quyết được tiêu cực của thị trường, thưa ông?
Điều này thì lại không đúng. Tín dụng BĐS chỉ là phần ngọn, không phải gốc của vấn đề. Vậy gốc rễ ở đâu?
Trước hết là bởi nguồn cung thị trường hiện quá khan hiếm. Ở cả Hà Nội và TP.HCM trong suốt thời gian qua, số lượng dự án được cấp phép quá nhỏ khiến lượng hàng đẩy ra thị trường gần như không có. Trong khi ấy, nhu cầu sở hữu BĐS của Việt Nam rất lớn, bởi chúng ta là nước đang phát triển, tỉ lệ sở hữu nhà của người dân còn thấp, diện tích nhà ở bình quân chỉ khoảng 23 m2, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng cũng làm tăng nhu cầu BĐS. Ngoài ra, những vấn đề của thị trường BĐS còn ở việc thổi giá, mua bán thiếu công khai minh bạch, khâu quy hoạch….
Nói như vậy để thấy, nếu ta chỉ siết tín dụng vào BĐS thì có thể giúp giảm được lượng tiền vào thị trường, từ đó giảm được cách kinh doanh chộp giật của một bộ phận nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn không đáng kể.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.
Theo ông, giải pháp là gì?
Vấn đề là chúng ta không thể siết đại trà mà chỉ với những dự án có nguy cơ tài chính, chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực thực hiện công trình hoặc dự án không phát huy hiệu quả và những nhà đầu cơ, kinh doanh chộp giật góp phần đẩy giá BĐS trên thị trường.
Mặt khác, phải rõ ràng, chúng ta không thể siết người đi vay mua nhà để ở, vì đó là nhu cầu chính đáng của người dân. Ngược lại, mọi người khi có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ tiền phải được tạo cơ hội để vay với lãi suất phù hợp để an tâm sinh sống, nỗ lực làm việc. Điều này vừa tạo ổn định về an sinh xã hội vừa giúp đảm bảo duy trì được tình trạng kinh tế tốt. Đơn giản vì khi các gia đình đều hướng tới sự phát triển thì xã hội sẽ tăng trưởng.
Sau 2 năm chững lại của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung, chúng ta đang đứng trước cơ hội để phục hồi. Nếu vốn tín dụng bị siết chặt một cách bất hợp lí như ông nói, sẽ tác động thế nào tới cơ hội này?
Nếu việc siết tín dụng BĐS được thực hiện không phù hợp, thị trường BĐS chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại. Thị trường thậm chí sẽ trầm lắng. Đây là điều rất đáng lo ngại vì thị trường BĐS có vai trò cực kì to lớn, tác động mạnh tới sự phát triển của nền kinh tế.
Chúng ta nên nhớ, phía sau BĐS có khoảng 40 ngành, nghề sản xuất kinh doanh. Đây chính là mạch máu, là một trong những đầu tàu của nền kinh tế. Vì thế nếu BĐS chậm phát triển, sẽ có hàng chục lĩnh vực bị kéo tụt lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Vì thế, đây là vấn đề các nhà quản lý cần phải xem xét cẩn trọng.
Ông có đề xuất gì giúp việc siết tín dụng BĐS đi vào thực tế và đạt hiệu quả cao nhất?
Trong cách thực hiện, theo tôi không thể làm một cách ồ ạt, tràn lan. Chẳng hạn, tại sao lại siết tín dụng BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong khi du lịch đang mở cửa trở lại và rất thiếu cơ sở hạ tầng? Bởi thế, tùy từng địa phương, địa bàn khác nhau, từng ngành nghề cần phải may đo phù hợp vì có nơi dư thừa, nhưng có nơi lại rất thiếu BĐS để phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc ồ ạt siết tín dụng BĐS còn là sự đánh đồng các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp với những đơn vị năng lực kém, như vậy không có tính thanh lọc để lành mạnh hóa thị trường. Thay vào đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực, làm trụ cột thị trường; thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém để bảo vệ người tiêu dùng, giảm nguy cơ, rủi ro cho hệ thống tín dụng. Đồng thời, cần xem xét hỗ trợ những người thực sự cần vốn mua BĐS để ổn định đời sống,
Có như vậy việc siết tín dụng BĐS mới giúp vừa chấn chỉnh hoạt động tín dụng nhưng đồng thời kích thích được sự phát triển của những phân đoạn BĐS cần thiết, giúp BĐS đóng góp vào quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Thạch Thảo
Theo Nhịp sống kinh tế
 
 
 

Tin liên quan

09/05/2022
Tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy

Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán.

04/05/2022
Nguồn cung bất động sản vẫn yếu

Khó khăn thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian phê duyệt – cấp phép xây dựng; vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến không thể phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án, hệ quả khó cải thiện nguồn cung cho thị trường BĐS.

22/04/2022
Giá nhà đất tăng ở nhiều tỉnh

Không chỉ BĐS các khu đô thị lớn như Hà Nội hay Tp.HCM mà các tỉnh lân cận, các vùng xa xôi giá BĐS đều biến động tăng trong những tháng đầu năm.