Lãi suất cao, khó tiếp cận với dòng vốn từ ngân hàng đang là 2 vấn đề nóng cho bài toán tín dụng bất động sản. Làm thế nào để khơi thông dòng vốn tín dụng vào thị trường địa ốc, nhất là trong bối cảnh gam màu trầm lắng đang chiếm chủ đạo?
Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn vay
Trong toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhấn mạnh: “Có thể nói cùng với các kênh dẫn vốn khác, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã và đang giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua”.
Ông Lệnh dẫn số liệu trong năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. “Qua đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản”, ông Lệnh khẳng định.
Theo ông Lệnh, tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Thế nên, với cơ cấu tín dụng như trên, ông Lệnh cho rằng, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn.
Song, thực tế, một số doanh nghiệp địa ốc giãi bày rằng, họ rất khó tiếp cận được với dòng vốn ngân hàng. Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành thắng thắn chia sẻ rằng, doanh nghiệp ông khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng để triển khai NOXH, trong khi đây là loại hình đang được Nhà nước khuyến khích.
Theo ông Nghĩa, thời gian qua, phía ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NOXH. Chưa kể, phía doanh nghiệp nếu vay được tiền ngân hàng sẽ phải chịu mức lãi suất cao lên tới 14%/năm.
Là một trong những người theo sát thị trường, trăn trở về vấn đề vốn cho doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, doanh nghiệp địa ốc đang chật vật trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Vào thời điểm cuối năm 2022, mặc dù room tín dụng được mở nhưng trong chỉ khoảng thời gian ngắn, khả năng hấp thụ dòng vốn này với thị trường rất chậm.
Cũng theo ông Châu, điểm khó của doanh nghiệp bất động sản không phải là lãi suất cao mà lo không được tiếp cận vốn ngân hàng.
“Ngân hàng ấn định tới đây vốn cho vay còn ít hơn. Từ ngày 1-10-2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1-10-2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%. Nếu tỉ lệ này xuống còn 30% từ 1-10-2023 thì có nghĩa là các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho bất động sản. Như vậy, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ”, ông Châu nói.
Cần sớm giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp địa ốc
Theo vị Chủ tịch HoREA, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó các quy định liên quan đến việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay. Trong chuyện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng.
Đưa ra kiến nghị về giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp, ông Châu cho biết, Hiệp hội sẽ tiến hành đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. “Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp”, ông Châu nói thêm.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng kiến nghị, cần hệ thống lại pháp lý, các chính sách để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thụ trường vốn cho bất động và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này. Bên cạnh đó phải đa dạng các nguồn vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư… thay cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp này thì vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng. Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục.
“Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng là sự minh bạch của thị trường bất động sản và chính sự minh bạch của thị trường này sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào thị trường này", ông Lộc nói thêm.
Về góc độ phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định sẽ có giải pháp để dòng vốn chảy vào bất động sản. Song, ông Lệnh thẳng thắn chia sẻ, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều phải phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, trong đó gồm cả doanh nghiệp bất động sản thông qua việc triển khai những dự án hiệu quả; các dự án nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở cho thuê…
Triệu Vương
Nhịp sống thị trường
 

Tin liên quan

25/01/2023
Nhìn lại chu kỳ bất động sản “lên bổng xuống trầm”, nắm bắt thời cơ đầu tư mới

Giai đoạn từ 2011 - 2022, thị trường bất động sản trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều thành tựu vượt bậc đã được ghi nhận. Song, sau giai đoạn phát triển nóng, đến nay thị trường bước vào thời khắc điều chỉnh, thanh lọc.

16/01/2023
Điều gì chờ đợi nhà đầu tư bất động sản trong năm 2023

Dự báo trong năm 2023, người mua bất động sản sẽ “thắt chặt hầu bao” để chờ đợi cơ hội mua nhà giá rẻ. Bên cạnh đó, những vướng mắc về pháp lý và rào cản vẫn tồn tại khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự giải quyết vấn đề thanh khoản dựa trên cân đối các nguồn lực nội tại.

13/01/2023
Dự báo bất ngờ về diễn biến giá đất nền phía Nam trong năm 2023

Chuyên gia bất động sản đưa ra dự báo, giá bán sơ cấp phân khúc đất nền duy trì mức ổn định, khó có những sự tăng giá đột biến trong năm 2023. Còn mặt bằng giá bán thứ cấp dự báo sẽ giảm nhẹ, nhất là trong những tháng đầu năm 2023.