Tín hiệu về giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sớm kích hoạt lại thanh khoản. Từ đó, tạo xung lực cho thị trường dần hồi phục và phát triển ổn định trở lại.
Trong Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản diễn tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước ngày hôm qua (8/2), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: “Ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng”.
Trước đó, vấn đề về lãi suất tăng cao đã tác động mạnh đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Do đó, thông tin về việc hạ lãi suất ngay lập tức nhận được sự chú ý của các nhóm đối tượng trên thị trường.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta đang tìm hướng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đầu tiên là tháo gỡ nguồn tín dụng, đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường.
“Nếu giảm lãi suất chắc chắn thị trường sẽ có những xung lực nhất định, trước mắt là ổn định, sau đó sẽ phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay bất động sản có thực hiện được không còn phải dựa trên tình hình thực tế”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ CLB bất động sản Hà Nội cho biết, lãi suất tăng cao trong thời gian qua đã tác động tới tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Khi người mua phải cân nhắc tới vấn đề thu chi và không xuống tiền mua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi khó khăn ở kênh trái phiếu và không tiếp cận được tín dụng vì lãi suất.
“Người mua nhà họ đều có một khoản tiền nhất định, còn lại sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cao khiến người mua không dám vay mua. Do đó, sức mua sụt giảm nghiêm trọng kéo theo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về dòng tiền”, ông Điệp nói.
Theo vị này, nếu hạ lãi suất, cùng với việc room tín dụng nới rộng ra, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Bởi, sức cầu trên thị trường vẫn đang rất tốt, đặc biệt ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Song, với phân khúc nhà ở xã hội cần có sự đồng bộ trong chính sách tín dụng, tức ưu đãi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà với lãi suất tốt.
“Thị trường sôi động đến đâu sẽ phụ thuộc vào mức độ lãi suất giảm. Tức, lãi suất giảm càng nhiều thị trường bất động sản sẽ càng bật dậy mạnh. Việc các ngân hàng đề cập tới hạ lãi suất là tin vui cho thị trường. Song, để thực hiện được còn phụ thuộc vào độ ổn định của tình hình kinh tế và các yếu tố vĩ mô”, ông Điệp nói.
Thực tế, ngay sau Tết Nguyên đán, lãi suất gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã hạ nhiệt. Trên các website chính thức của ngân hàng, hiện không còn ngân hàng nào công bố mức trên 10%/năm.
Chẳng hạn, SaigonBank một thời gian dài giữ mức huy động cao nhất thị trường là 10,5% cho kỳ hạn 12 tháng đã hạ xuống còn 9,5%. CBBank, OceanBank,... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm.
Trước đó vào giữa tháng 12, Hiệp hội Ngân hàng họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản cộng khuyến mãi nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, an toàn thanh khoản hệ thống.
Động thái giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản kích hoạt thanh khoản trở lại. Từ đó, thị trường có động lực để phục hồi và phát triển.
Thanh Phong
Nhịp sống thị trường