Thời gian gần đây những người ở chung cư tại TPHCM hoang mang trước thông tin nhiều phần tử xấu ngoài xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đưa ra cảnh báo trước thủ đoạn mới của những kẻ muốn trục lợi từ chung cư.
Theo đó, những kẻ này sẽ mua căn hộ nhỏ, vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị và thực hiện hành vi trục lợi. Nhiều trường hợp kẻ xấu bán lại căn hộ chung cư, mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí Trưởng ban quản trị, sau khi đã trục lợi xong.
 
TPHCM đang có số lượng chung cư trong nhóm nhiều nhất cả nước. Ảnh minh họa
Hiện nay, TPHCM đang là một trong những địa phương có số lượng chung cư nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, vai trò của các chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và ý thức trách nhiệm của cư dân ở nhiều chung cư chưa theo kịp được sự phát triển của thực tế.
Trong đó, phần lớn các mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ lợi ích cục bộ chưa được các chủ thể dung hòa.
HoREA phân tích, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện còn nhiều vướng mắc. Trong đó, về chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư, tại Khoản (2.c) Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định: "Có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản". Thực tế, nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 1 người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Trong khi đó, việc đóng góp kinh phí bảo trì, đối với các chung cư được thực hiện trong giai đoạn Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực. Luật này quy định không rõ như Luật Nhà ở 2014, dẫn đến tranh chấp do người mua nhà cho rằng đã nộp phí bảo trì, khi ký hợp đồng mua nhà, trong lúc chủ đầu tư cho rằng chưa thu phí bảo trì này.
Cũng theo HoREA, khi cơ quan nhà nước, cảnh sát PCCC kiểm tra xử phạt vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung, hoặc vi phạm PCCC và ra quyết định xử phạt thì trách nhiệm nộp phạt, nguồn tiền nộp phạt chưa được xác định rõ, vì Ban quản trị chung cư chỉ quản lý quỹ bảo trì hoặc quỹ quản lý, vận hành chung cư.
 
Ngày càng xuất hiện nhiều những vụ tranh chấp chung cư. Ảnh minh họa
Trước đó, năm 2017 hiệp hội Bất động sản TPHCM từng đưa ra dự báo về việc tranh chấp chung cư sẽ không có điểm dừng. Và thực tế cho đến nay, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư vẫn có biểu hiện gia tăng.
Lí do được HoREA đưa ra là bởi xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ.
"Toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp”, HoREA cho biết.
Những tranh chấp kèm theo rủi ro đã khiến người có xu hướng mua chung cư cẩn trọng hơn. Theo báo của Công ty Tư vấn và nghiên cứu Bất động sản JLL Việt Nam, trong quý 4/2018, về thị trường căn hộ, lượng mở bán chính thức tại TP.HCM chỉ đạt gần 8.300 căn, trong đó 99% các dự án đã tiến hành tiền mở bán từ 2 - 3 quý trước.
Lượng bán ra đạt hơn 8.800 căn, khiến tổng lượng bán trong năm đạt 40.032 căn, giảm 13,8% theo năm.
Phan Anh (t/h)
(Theo Lao Động)
 
 

Tin liên quan

13/03/2019
Cho vay nhà ở xã hội: Đã có lãi suất, vì sao nguồn vốn chưa được bố trí?

Thủ tướng Chính phủ vừa quy định mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 5%/năm (theo Quyết định 255/TTg có hiệu lực từ ngày 4/3/2019). Nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất này sẽ giúp làm giảm áp lực về tài chính, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có cơ hội an cư, song điều quan trọng là phải có nguồn để cho vay.

12/03/2019
Thủ tướng chốt lãi suất vay mua nhà ở xã hội 5%/năm

Mức lãi suất cho vay ưu đãi với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở năm 2019 là 5%/năm.

12/03/2019
Shophouse: kênh đầu tư sẽ chiếm ưu thế trong năm 2019?

Chưa hết quý 1/2019, nhưng shophouse đã thu hút dòng vốn đầu tư lớn trên thị trường BĐS, khiến phân khúc này lại được dự báo tiếp tục là điểm nóng thu hút vốn đầu tư trong năm nay.