Tại khu Nam Sài Gòn, ngoài quận 7 những khu vực lân cận như dọc theo tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ...đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh BĐS.
Khu Nam Sài Gòn từ lâu nay được biết đến là nơi có điều kiện tự nhiên khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của Tp.HCM - nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.
"Có thể nói, khu Nam Sài Gòn hội đủ yếu tố thuận lợi về mọi mặt để nâng giá trị đô thị lên một mức cao hơn nếu phát triển theo hướng này. Từ đó, TPHCM đang dành một nguồn lực khá lớn và bắt đầu kêu gọi vốn đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông của khu Nam TPHCM.", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nói.
Cũng theo ông Châu, khu Nam được xem là điểm sáng về tốc độ phát triển đô thị đồng bộ và vượt bậc so với các khu vực khác. Trong một báo cáo gửi Chính phủ mới đây, UBND TPHCM cho biết, các khu dân cư đô thị ở Nhà Bè, quận 7 phát triển rất nhanh – đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước. Việc này khiến nhu cầu giao thông vào trung tâm thành phố và ngược lại rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc… nên việc mở đường mới là cần thiết, cấp bách.
Thời gian qua, TPHCM cũng đã tập trung xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng của khu Nam. Một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất của khu Nam phải kể đến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương thi công 3 gói thầu cuối của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành để đến đầu năm 2020 sẽ đưa dự án này vào hoạt động.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được đưa vào khai thác sẽ giúp giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần "quá cảnh" qua TPHCM; nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn của khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với sân bay quốc tế Long Thành. Đặc biệt, dự án có "điểm giao" với TPHCM tại khu vực huyện Nhà Bè và đây sẽ là động lực mới, tạo đà cho khu vực này kết nối dễ dàng với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.
Ngoài dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành để giải quyết các điểm nóng về giao thông tại khu Nam, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn cũng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư như: dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng cũng được dự kiến hoàn thành trong quý 2/2019…
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc trước mắt, thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM và tỉnh Long An. Song song đó, tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Được kỳ vọng nhiều nhất là dự án mở đường kết nối 3 quận huyện (quận 4, 7 và huyện Nhà Bè) để hoàn thiện trục giao thông Bắc – Nam với tổng mức đầu tư khoảng 9.430 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 phần. Đoạn đầu dài 3,8 km, rộng 40-60 m (8-10 làn xe) với mức đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ từ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ đến nút giao chân cầu Bà Chiêm (nối quận 7 với Nhà Bè) dài 7,5 km, quy mô 8-10 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra hướng lưu thông mới từ trung tâm TP.HCM về phía Nam và ngược lại (thay vì phải đi theo hướng cầu Kênh Tẻ đang bị quá tải).
Ngoài ra, hai dự án được xem là "xương sống" giúp kết nối trực tiếp từ khu trung tâm TPHCM đến Phú Mỹ Hưng (quận 7) là dự án đầu tư nâng cấp - mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành. Trong đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến Nguyễn Văn Linh lên 40m sẽ được triển khai trong năm 2019 này.
Song song đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi và phương án đền bù giải toả để chuẩn bị triển khai đầu tư dự án nâng cấp - mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) lên 45m. Tuyến đường Nguyễn Tất Thành kéo dài từ khu Bến Nhà Rồng đến nút giao cầu Tân Thuận - Nguyễn Văn Linh, con đường huyết mạch nối trung tâm quận 1 với khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và toàn khu Nam TPHCM. Đây còn là điểm giao của 2 siêu dự án cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 trong tương lai...
Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.
Hiện tại những vị trí có thể phát triển được bất động sản, ngoài quận 7 ra thì những khu vực lân cận đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh BĐS như dọc theo tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ. Theo quan sát, các nhà đầu tư địa ốc thời gian qua đang bắt đầu có sự dịch chuyển về phía Bắc Phú Mỹ Hưng (tính từ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tất Thành; Huỳnh Tấn Phát và các khu xung quanh), nhiều dự án "chết lâm sàng" hàng chục năm qua giờ đây đã bắt đầu tái khởi công để bán ra thị trường.
Qua tìm hiểu được biết, tại khu vực này, thị trường đang xuất hiện loạt cái tên như Florita, Sunrise Riverside, Sunrise Cityview, Ascent Lakeside, Kenton Node, các dự án mới của Phú Mỹ Hưng, Dream Home Riverside, Aurora của DRH Holding, Lavida 1 và 2 của Quốc Cường Gia Lai. Hưng Thịnh Corp đang có khoảng 4.000 căn hộ cao cấp tại đường Đào Trí quận 7...
Một dự án lớn thứ hai ở khu Nam có tổng diện tích gần 350 ha (sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng có diện tích 750 ha) do Công ty TNHH một thành viên phát triển GS Nhà Bè (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đang chuẩn bị khởi công trở lại sau nhiều năm "bất động". Dự án bao gồm nhiều loại hình nhà ở: biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp.
Ngoài ra, thị trường khu Nam Sài Gòn vừa ghi nhận sự xuất hiện dự án Eco Green Saigon có quy mô 14,36 ha, sở hữu vị trí đắc địa mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Thuận, quận 7). Dự án có công viên nội khu Eco Green Central Park rộng hơn 3,5 ha và nằm liền kề công viên Hương Tràm được quy hoạch quy mô lên đến 22ha. Dự án cũng có các tiện ích bao gồm trường tiểu học Kim Đồng chuẩn quốc gia, trường mầm non quốc tế Nhật Bản Kirara, trung tâm tổ chức sự kiện.... Với thiết kế độc đáo 3 cạnh được tạo hình như những cánh quạt gió khổng lồ, gần 100% các căn hộ 44 - 95m2 với 2 - 3 phòng ngủ tại Eco Green Saigon đều là căn góc. Các căn hộ tại đây đang có giá bán từ 2,3 tỷ đồng mỗi căn.
Ông Trần Hiếu - Phó Tổng giám đốc DKRA cho biết trong bối cảnh thị trường nhà ở đang khan hiếm nguồn cung, vẫn còn nhiều nhà đầu tư trung thành "bám trụ" thị trường TPHCM bằng việc chuẩn bị tung sản phẩm mới với nhiều rổ hàng khác nhau. Các công ty chủ trương làm các khu đô thị, khu dân cư tại những khu vực có tiềm năng phát triển, mang lại lợi nhuận nhanh và cao, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đặc biệt ở những nơi có thế mạnh về hạ tầng giao thông như khu Nam Sài Gòn.
Nguyên Minh
Theo Nhịp sống kinh tế