Theo số liệu của Sở xây dựng, nếu năm 2018 có 61 dự án với 187,09ha và 35.370 căn nhà được hoàn thành thì 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 17 dự án nhà ở hoàn thành với 111,43ha và 12.453 căn nhà.
Như vậy, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), trong 17 dự án này có 10.085 căn hộ chung cư, chỉ bằng khoảng 36% về số lượng dự án; chỉ bằng khoảng 79% về diện tích đất sử dụng đất; chỉ bằng khoảng 47% về số lượng căn nhà và chỉ bằng khoảng 49% tổng diện tích sàn xây dựng so với năm 2018.
Cụ thể, số liệu nhà ở hoàn thành tại Tp.HCM từ năm 2017 đến tháng 9/2019 để thấy số lượng này đang sụt giảm mạnh.
Năm 2017: Đã hoàn thành 27 dự án với tổng diện tích đất 75,41 ha, quy mô 21.280 căn nhà, trong đó, có 20.361 căn hộ chung cư, 919 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 1.887.953 m2.
Năm 2018: Đã hoàn thành 61 dự án với tổng diện tích đất 187,09 ha, quy mô 35.370 căn nhà, trong đó, có 32.167 căn hộ chung cư, 3.203 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 3.492.212 m2.
09 tháng đầu năm 2019: Đã hoàn thành 17 dự án, trong đó có 03 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 111,43 ha, quy mô 12.453 căn nhà, trong đó, có 10.085 căn hộ chung cư, 2.368 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 1.306.320 m2.
Như vây, trong vòng 3 năm, chỉ có năm 2018 có số lượng dự án nhà ở hoàn thành cao nhất, có 61 dự án. Trong đó, có 32.167 căn hộ chung cư; gấp 2,3 lần về số lượng dự án; gấp 2,5 lần về diện tích đất sử dụng đất; gấp 1,7 lần số lượng căn nhà và gấp 1,9 lần tổng diện tích sàn xây dựng so với năm 2017. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án nhà ở hoàn thành tại Tp.HCM đã bị sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng nhà ở Tp.HCM ngày càng sụt giảm, ách tắc theo HoREA là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luậ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản chưa thật sự quan tâm đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Mặc dù khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản. Đồng thời, liên lụy đến các ngành kinh tế liên quan. Báo cáo của HoREA chỉ ra, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường BĐS có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế