11 tháng đầu năm vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,8 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam...
David Jackson, Giám đốc điều hành Colliers International Việt Nam cho rằng: Tp. HCM có thị trường bất động sản năng động có tiềm năng phát triển cao nhất. Và Hà Nội vẫn là địa điểm đầu tư bất động sản dân cư hoặc thương mại được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhất ở miền Bắc Việt Nam.
COVID NHƯNG VỐN FDI VÀO BẤT ĐỘNG SẢN VẪN TĂNG 15%
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 11 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản xếp vị trí thứ 3 với 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này được xem là đáng ngạc nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trong 3 nhóm vốn FDI gồm đăng ký đầu tư dự án, đăng ký vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần, vốn đăng ký tăng thêm vào các dự án hiện hữu 11 tháng lên đến 1,24 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Nguồn: Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hai dự án hút vốn đầu tư FDI đăng ký tăng thêm mạnh nhất trong 11 tháng có giá trị hơn 1 tỷ USD, chiếm 26,8% tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, dự án Khu trung tâm đô thị tây Hồ Tây, tên thương mại Star Lake City do Daewoo E&C, Hàn Quốc làm chủ đầu tư, điều chỉnh vốn đầu tư thêm 774 triệu USD. Và, dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai có tên thương mại toà văn phòng Central Palace, do thành viên của Tập đoàn CapitaLand, Singapore làm chủ đầu tư, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD.
Loại trừ tác động của 2 dự án Star Lake City và Central Palace, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh từ tháng 9/2020. Trong 3 tháng trở lại đây, vốn FDI đăng ký đầu tư dự án mới lên đến 812 triệu USD.
Giới chuyên môn cho rằng, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản vẫn tăng trưởng 15% và vốn đăng ký tăng thêm cho các dự án hiện hữu cao kỷ lục cho thấy những chuyển biến tích cực đáng ngạc nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đồng thời vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Điển hình như, Quỹ Keppel Việt Nam, một quỹ bất động sản tập trung vào Việt Nam với quy mô quỹ mục tiêu là 600 triệu USD. Bất chấp trong bối cảnh đại dịch Covid, Quỹ Keppel Việt Nam đã đạt được lần đóng đầu tiên trị giá 400 triệu USD, bao gồm cả cam kết đồng đầu tư từ một nhà đầu tư tổ chức toàn cầu. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào khả năng đạt được lợi nhuận hấp dẫn từ việc đầu tư vào bất động sản đang phát triển ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài gạo cội trên thị trường bất động sản Việt Nam đánh giá trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và dân số lớn thứ ba với hơn 90 triệu người. Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế và dân số ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh, tốc độ đô thị hóa, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng … đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.
VỐN NGOẠI ĐANG ĐỔ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN TỈNH THÀNH NÀO?
Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,… là những điểm nóng hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như được các nhà đầu tư nước ngoài "nhòm ngó" đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong 11 tháng qua. Trong đó, bất động sản của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 điểm hút mạnh vốn ngoại.
Ngành kinh doanh bất động sản cả nước đã phục hồi từ tháng 8/2020
Ông David Jackson, Giám đốc điều hành Colliers International Việt Nam gần đây cho rằng: Tp. Hồ Chí Minh có thị trường bất động sản năng động có tiềm năng phát triển cao nhất. Hà Nội vẫn là địa điểm đầu tư bất động sản dân cư hoặc thương mại được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Số liệu thực tế cho thấy, 11 tháng đầu năm, Hà Nội là điểm hút vốn FDI đăng ký mạnh nhất, chỉ tính riêng 2 dự án điều chỉnh tăng vốn đã hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn ¼ tổng giá trị vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả nước.
Xếp sau Hà Nội là Tp. Hồ Chí Minh với tổng giá trị vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản 822,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21,6% tổng giá trị vốn FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản cả nước.
Bình Dương, với số liệu cập nhật đến tháng 8/2020 cho thấy, trong gần 8 tháng đầu năm có 6 dự án đăng ký đầu tư mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 118 triệu USD, bằng 22,7% vốn đăng ký mới vào bất động sản cả nước.
Nguồn: Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Không có số liệu chi tiết về đầu tư FDI vào bất động sản Hải Phòng trong 11 tháng qua. Tuy nhiên, những chuyển động trên thị trường bất động sản thứ cấp cho thấy Hải Phòng đang là điểm hút vốn ngoại. Ông Kingston Lai, CEO Tập đoàn Asia Bankers Club trong bài viết gần đây cho biết, Tập đoàn Asia Bankers Club đã bán 15 căn hộ tại dự án The Minato Residence được đầu tư bởi các nhà phát triển bất động sản Nhật Bản Fujita và Takara Leben) cho các nhà đầu tư từ Hồng Kông (Toà CT2 của dự án The Minato Residence đã được mở bán trong tháng 10/2020).
Ông Paul Tonkes, Giám đốc dịch vụ Logistics và công nghiệp tại Cushman & Wakefield Việt Nam trên báo nước ngoài cho biết, sức hấp dẫn của Hải Phòng nằm ở tiềm năng phát triển khu dân cư gắn với các khu công nghiệp. Ông Paul nhìn nhận, sự phát triển của Hải Phòng đang thu hút lực lượng lao động nước ngoài lớn, đặc biệt là chuyên gia từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi tin rằng nhu cầu với bất động sản dân cư tại Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là phân khúc các dự án cao cấp. Các công ty sẽ muốn thuê, mua các dự án này để phục vụ lực lượng chuyên gia từ nước ngoài", ông Paul Tonkes nói.
Trong khi đó, Quỹ Keppel Việt Nam cho biết Quỹ sẽ tìm cách đầu tư cùng với Keppel Land vào các dự án bất động sản, bao gồm phát triển khu dân cư, bất động sản thương mại cũng như các dự án hỗn hợp và khu đô thị tại Việt Nam, tập trung vào Tp. HCM và Hà Nội.
Theo Quỳnh Nguyễn
Vneconomy