ảnh minh họa
Trong khi toàn thị trường bất động sản đang có xu hướng tăng giá mạnh thì Đà Nẵng vẫn đứng im thời gian qua. Nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự phục hồi của bất động sản khu vực này.
Nghịch lý giá đất ở Đà Nẵng
Giai đoạn 2016 - 2019 có thể nói là chu kỳ tăng nóng giá nhà đất Đà Nẵng, nhiều khu vực giá đất đã tăng nhiều lần. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã kiếm bội tiền từ khu vực này.
Theo khảo sát của DKRA Vietnam, giai đoạn 2017 - 2018, mức giá mua đi bán lại trên thị trường bất động sản thứ cấp tại Đà Nẵng tăng 80%-100%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, mặt bằng giá BĐS giảm trung bình 15%-20%, cục bộ nhiều khu vực giảm đến 30 - 35% so với năm 2019.
Chứng kiến từ khi thị trường tại Đà Nẵng vẫn còn nằm “bất động” trải qua chu kỳ phát triển nóng đến nay, anh Hồ Văn Nghiệp - môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cho biết, sau khi tổ chức APEC năm 2017 nhiều người đã kỳ vọng bất động sản tại khu vực này chuẩn bị “tung cánh” tương tự như Singapore. Do đó, không ít nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về mạnh dạn xuống tiền đầu tư, cùng đó, nhiều người đã sử dụng đòn bẩy tài chính với mong muốn thu được khoản lợi nhuận trong thời gian ngắn.
ảnh minh họa.
Sự hăng hái của nhiều nhà đầu tư đã thúc đẩy giá đất tại Đà Nẵng tăng nhanh chóng trong thời gian đó. Đến khoảng đầu năm 2019, thị trường khu vực này bắt đầu chững lại, cộng thêm sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu cắt lỗ, giảm giá từ 20 - 30% so với giá đỉnh mua vào.
Anh nghiệp cũng cho biết, trải qua 2 năm dịch bệnh, giá bất động sản tại Đà Nẵng tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi giá nhiều khu đất bắt đầu giảm từ 30 - 35% so với thời kỳ đỉnh cao đầu năm 2019.
Người môi giới này cho hay, các Khu vực Nam Hoà Xuân, Nam Cầu Nguyễn Tri Phương, Hoà Xuân,... vẫn có giao dịch nhưng rất ít và giá cũng giảm từ 20 - 35% so với đầu năm 2019. Khu vực ven biển trung tâm quận Ngũ Hành Sơn: giá giảm đáng kể từ 25 - 30% nhưng giao dịch rất ít, dường như không có. Khu vực ven biển Tân Trà, Đông Hải quận Ngũ Hành Sơn giá giảm từ 20 - 30%.
Kỳ vọng đà tăng trưởng mới
Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực, có lợi thế về sân bay quốc tế, cảng biển, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới, đã thu được kết quả khả quan trong phòng chống dịch Covid-19, đang hướng tới mục tiêu phục hồi và tăng tốc về kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Theo đó, thị trường bất động sản có tiềm năng lớn, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng được xác định là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng và là trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của DKRA Vietnam, thị trường bất động sản Đà Nẵng có sự mất cân đối giữa các phân khúc. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền phân lô là hai phân khúc chủ đạo. Về thị trường căn hộ thì chỉ có căn hộ giá cao và thiếu căn hộ vừa túi tiền. Khách mua chủ yếu để đầu tư, mua đi bán lại.
“Thời gian tới rất có thể thị trường Đà Nẵng sẽ trỗi dậy theo đúng tiềm năng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngành du lịch Đà Nẵng phải nhanh chóng được khôi phục. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, thúc đẩy tiến độ các dự án động lực, trọng điểm làm đòn bẩy phát triển”, ông Hoàng cho nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường Đà Nẵng trong năm 2021 đã có dấu hiệu hồi phục sau thời gian suy giảm do dịch bệnh.
“Bất động sản Đà Nẵng những năm qua sốt giá chung với cả nước nhưng thực tế không ảo bằng một số địa phương. Đây là thị trường được đầu tư sớm, trong bối cảnh nguồn hàng ít, lực cầu nhiều thì Đà Nẵng vẫn là thị trường tiềm năng, tạo được sức hút nhờ giá cả phần nào được kiểm soát” - ông Đính phân tích.
Đặc biệt, có một nghịch lý khó hiểu là giá đất ở Đà Nẵng nhìn chung còn thấp hơn cả một số khu vực ở tỉnh lẻ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, giá mỗi lô đất ở khu vực Bảo Ninh (Quảng Bình) được đấu giá lên tới 9 - 22 tỷ đồng cho 200 - 300m2; giá đất ở đường Hùng Vương (TP. Đông Hà, Quảng Trị) cũng có giá đất sốt 9 - 15 tỷ đồng/lô.
Trong khi đó, tại Hòa Xuân, Hòa Liên (Đà Nẵng) đất quy hoạch đẹp, hiện đại lại đang có giá dao động từ 1,7 tỷ đến 3 tỷ đồng/lô, tùy tiện ích có khu vực lên tới 7 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy giá đất tại đây đang rất thấp so với một số tỉnh, thành miền Trung, phản ánh chưa tương xứng với một đô thị như Đà Nẵng.
Tuấn Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
 

Tin liên quan

14/01/2022
Chuyên gia chỉ điểm 5 khu vực BĐS phát triển nóng nhất Hà Nội giai đoạn 2022-2025

Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 27% nguồn cung tương lai.

13/01/2022
Tích cực M&A, doanh nghiệp địa ốc đặt tham vọng lớn trong năm 2022

Việc các doanh nghiệp BĐS vẫn tích cực thâu tóm, mở rộng quỹ đất và đàm phán thành công nhiều dự án cho thấy tín hiệu lạc quan của thị trường nhà đất năm 2022.

11/01/2022
Bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hút tiền trong năm 2022

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với mức lạm phát cao chưa từng có trong thập kỷ qua. Đứng trước áp lực lạm phát này, bất động sản là kênh “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền của nhà đầu tư.