Khả năng phục hồi của doanh nghiệp kể từ cuối năm 2021, sức cầu tốt cùng với yếu tố vĩ mô tích cực sẽ trở thành bệ đỡ cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng nhiệt, trở thành kênh đầu tư hút dòng tiền.
Tín hiệu tích cực trên thị trường
Diễn biến tích cực của thị trường bất động sản sau thời điểm làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát đang tiếp tục diễn ra. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, sau đợt dịch mức độ quan tâm tới bất động sản đều tăng, lần 1 tăng 306%, lần 2 tăng 62%, lần 3 mức tăng là 376% và lần thứ 4 là 105%.
Bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định, giai đoạn khốc liệt nhất của thị trường đã qua nhờ độ phủ vaccine và thuốc điều trị vaccine. Dù dịch bệnh vẫn còn nhưng tác động ảnh hưởng không lớn khi tình trạng nhiễm Covid diễn ra nhanh và nhẹ hơn.
"Thái độ của chúng ta cũng đã bình tĩnh hơn. Ngày xưa có 1 ca F0 là rất kinh khủng, phải thông báo cả lịch trình di chuyển, phải xem xét, F1,F2… Đến hiện tại, F0 đã được điều trị tại nhà. Việc trích ngừa vaccine, có thuốc điều trị đã giảm đi tác động mạnh từ dịch bệnh. Bước sang giai đoạn này, chúng ta vẫn cẩn trọng, có thái độ đề phòng một cách nhất định nhưng không quá lo ngại như trước đây, chấp nhận sống chung với nó. Không ai nói kỳ vọng nó chấm dứt năm nay hoặc sang năm dù biến thể Covid đã yếu hẳn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tập trung cho công việc khôi phục sản xuất kinh doanh, triển khai kế hoạch 2022 một cách hiệu quả ổn định", bà Hương Nguyễn cho hay.
Khi nhắc đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn phân thành 3 nhóm doanh nghiệp. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp lớn có khả năng phục hồi tốt. Đây là các chủ đầu tư có hướng triển khai kế hoạch dự án dài hạn, có dự phòng tốt và dù khó khăn vẫn vượt qua được. Nhóm này tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư.
Thứ hai là nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, dự phòng chưa nhiều, cần thời gian phục hồi lâu hơn. Theo bà Hương, ghi nhận cho thấy, nhóm 2 doanh nghiệp này đang có sức bật dậy rất nhanh, phục hồi trở lại khá tốt, trừ nhóm 3, là những doanh nghiệp đã buộc tạm dừng phải đóng cửa, tỷ lệ quay trở lại không cao khi đã mất sức, hụt hơi.
Lạc quan kịch bản thị trường bất động sản 2022
Theo bà Hương Nguyễn, thị trường bất động sản 2022 đang có nhiều tín hiệu tích cực đến từ sự phục hồi của chính các doanh nghiệp. "Nhóm 1 và 2 đang có tín hiệu phục hồi tốt, nhất là trong quý IV/2021 vừa qua. Chỉ số cung, cầu đang khá thuận lợi. Mức hồi phục doanh nghiệp lên tới 80%. Các dòng sản phẩm mà chủ đầu tư đưa ra thị trường có chất lượng đều ghi nhận trên thị trường sơ cấp và thứ cấp khá tốt. Tâm lý thị trường tốt trở thành cái đà tạo sức đẩy cho năm 2022".
Ngoài đà bật của doanh nghiệp thì bối cảnh chung cũng đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho thị trường bất động sản như tốc độ tăng trưởng kinh tế khi Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu kỳ vọng trong năm 2022. Cộng thêm gói hỗ trợ 350.000 tỷ đang được các doanh nghiệp rất kỳ vọng và là cơ sở trợ lực cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn. Mặt khác, các kế hoạch đầu tư công đang triển khai cũng sẽ tác động tích cực vào thị trường bất động sản 2022.
Những quan ngại liên quan pháp lý bất động sản sẽ có sự điều chỉnh, thúc đẩy thị trường bất động sản. Đây là điểm cộng nhưng nếu không thay đổi vẫn là điểm nghẽn, sự chậm trễ khi nguồn cung sản phẩm bị thiếu hụt so với nguồn cầu.
Cũng theo bà Hương, 2022 vẫn là một năm mà thị trường bất động sản tiếp tục chịu áp lực về mặt bằng giá cả.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2022, sức cầu thị trường bất động sản sẽ khả quan hơn. Dù thị trường đang đối diện với nhiều thách thức về dịch bệnh và quy định pháp lý, nhưng cũng có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc.
Theo ông Lâm, doanh nghiệp và người mua nhà đã tôi luyện, sàng lọc qua 3 đợt dịch Covid-19. Những doanh nghiệp thực sự còn đủ tiềm lực sẽ trụ lại và có bước tiến vững chãi hơn. Những chủ đầu tư lớn giữ tâm thế vững vàng trong dịch, mạnh dạn triển khai nhiều kế hoạch tung ra các dự án với lượng cung lớn trong năm. Nguồn cung này sẽ giúp giao dịch và sức mua của thị trường tăng nhiệt hơn.
Còn ông Đinh Minh Tuấn Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam phân tích, tác động của làn sóng dịch bệnh đến tâm lý tiêu dùng không lớn vì miễn dịch cộng đồng đang tốt lên. Hơn nữa, Việt Nam có kế hoạch mở cửa trở lại từ 15/3, điều này giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh phục hồi. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Chính phủ và ngoại lực đang rất ủng hộ cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường. Từ vốn đầu tư công tập trung hạ tầng đến dòng tiền từ FDI, việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát tín dụng bất động sản ổn định cũng giúp thị trường duy trì sức nóng và vững vàng hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Linh
Theo Nhịp sống kinh tế