Vịn vào nguyên nhân quy hoạch được triển khai, nhiều người đã gom đất rồi làm giá, tạo sóng thị trường khiến giá đất tăng liên tục. Bên cạnh đó, nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung cũng dẫn tới giá bất động sản tăng mạnh thời gian qua từ Bắc - Nam.
Từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã chứng kiến “cơn sốt” đất nền xuất hiện khắp từ Bắc vào Nam. Đến giữa năm, do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơn sốt dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, cơn sốt đất đã quay trở lại một số địa phương. Đơn cử, tại Bình Phước mới đây, ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn 60km đi sân bay quốc tế Long Thành, tình trạng sốt đất đã xuất hiện trên tuyến đường ĐT 753 (đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú). Tại Hà Tĩnh, những ngày vừa qua, cơn sốt đất cũng khiến nhiều vùng quê ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang,… náo loạn. Giá đất được thổi lên cao chóng mặt do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tại Khánh Hòa, đất nền Cam Lâm cũng đang sốt sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị. Còn tại Đắk Lắk, cơn sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt,…
Liên quan đến tình trạng giá đất nhiều nơi trên cả nước tăng nhanh, tại buổi Họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.
Cũng một lý do nữa là năm 2020 và 2021 là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch. Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh những lý do khách quan đó, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá.
Vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, theo ông Thành, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương, trong đó khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
“Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần công khai để người dân tiếp cận, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá. Cùng với đó, cần quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt để được thực hiện nghiêm”, ông Thành nói.
Một giải pháp khác mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra là các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,...
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ, chúng ta đã sửa luật gần 100 lần nhưng kết quả vẫn chưa thực sự hiệu quả.
“Hiện nay, có một thực trạng là so với thu nhập thì giá bất động sản của Việt Nam đang quá cao. Điều này là do nhu cầu cao, chênh lệch cung cầu lớn, khan hiếm sản phẩm và đó cũng là hệ lụy của việc vướng mắc pháp luật.
Nếu cầu cao các nhà phát triển bất động sản cần phải cân bằng. Cách tốt nhất là cho phép chuyển đổi đất khác thành đất ở để khơi thông thị trường. Nếu chúng ta chặn đứng, các bộ luật không đi trước mà chỉ sửa lẻ tẻ sẽ không giải quyết được các bất cập. Thực tế có những dự án 10 năm vẫn bế tắc vì vướng luật không thể giải quyết”, vị chuyên gia nói.
Theo ông Đức, về nhu cầu, cách đây vài năm chỉ tăng vài phần trăm, nhưng gần đây nhu cầu bất động sản tăng vài chục phần trăm trong khi nguồn cung không tăng lên quá nhanh.
“Tôi cho rằng, thị trường bao giờ cũng phải dư thừa còn nếu cứ tăng giá, thiếu nguồn cung thì không phải kinh tế thị trường. Cung thiếu thì quy luật sẽ tăng giá, gây khó khăn, làm gia tăng cơ chế xin cho”, chuyên gia chỉ rõ.
Rất nhiều bộ luật đã sửa nhưng dù sửa thông thoáng hay chặt chẽ hay không cũng không quan trọng mà phải tạo ra được thị trường bền vững thay vì méo mó như hiện nay.
GS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học Luật Hà Nội cũng cho biết, hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản còn tồn tại một số điểm nghẽn cần tháo gỡ để góp phần phục hồi sự phát triển của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19.
Muốn vậy theo ông Tuyến, cần có sự tìm hiểu, đánh giá để nhận diện những điểm nghẽn giữa một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, bao gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Nhà ở năm 2015, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
"Mặt khác, mâu thuẫn trong các bộ luật hiện nay có nhiều điều chưa phù hợp nhưng cũng đánh giá ở mặt tích cực không nên nhìn tiêu cực. Bởi vì thị trường đang có những biến động, sang một giai đoạn mới sẽ có những điều trong luật chưa hợp lý cần sửa đổi", ông Tuyến nhấn mạnh.
Tuấn Minh
Theo Trí thức trẻ