3 "cú sốc" tài chính mà TS. Cấn Văn Lực nêu dưới đây đã khiến kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng, từ đó thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ. TS. Lực cho rằng, có thể nói, năm 2022 là năm “hoạ vô đơn chí” cho lĩnh vực địa ốc.
 Đánh giá về thị trường bất động sản 2022, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2022 là năm “hoạ vô đơn chí” cho nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường bất động sản. Bởi trong năm qua, nền kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải chứng kiến 3 “cú sốc” tài chính mang nhiều yếu tố rủi ro.
Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc gần như đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế của toàn cầu.
Thứ hai là suy thoái nhẹ toàn cầu khiến giảm tổng cầu về du lịch, mua sắm, dệt may...
Thứ ba , điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là nhiều rủi ro và lợi suất tăng. Dòng tiền dễ gần như không còn khi càng về cuối năm.
“3 tác nhân này đã khiến kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng, từ đó thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ. Có thể nói, năm 2022 là năm “hoạ vô đơn chí” cho lĩnh vực địa ốc”, ông Lực nhận định.
Báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2022 ghi nhận biểu hiện mang tính “bất thường” từ thị trường bất động sản. Đầu năm thị trường “bùng nổ” (đặc biệt phân khúc đất nền có tỷ lệ hấp thụ mạnh) nhưng đến cuối năm lại “trầm lắng”.
Nguồn cung khan hiếm (hầu hết các sản phẩm chào bán trên thị trường đều đã được chào bán từ những năm trước), rất ít các dự án mới phát sinh. Cấu trúc nguồn cung nghiên về sản phẩm cao cấp. Sản phẩm phục vụ đầu tư, sản phẩm giá rẻ và nhà ở xã hội khan hiếm.
Phân khúc đất nền chứng kiến sự bùng nổ quá mạnh, đặc biệt tại các địa phương mới nổi, quản lý nhà nước chưa thực sự tốt tạo nên các cơn “sốt đất ảo”. Những sản phẩm này chủ yếu là các sản phẩm tự phát, không thuộc các dự án phát triển.
Cầu bất động sản ở thực vẫn rất lớn do tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ đô thị hóa và hạ tầng tăng nhanh nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng (đặc biệt là sản phẩm có giá phù hợp) nên tỷ lệ giao dịch thấp, tính hấp thụ yếu.
Chính sách thắt chặt tiền tệ thời điểm cuối năm làm nghẽn mạch dòng tiền cũng làm cho tính thanh khoản của thị trường bị suy yếu.
Về biến động giá, VARS cho biết, đầu năm giá tăng mạnh từ 20% đến 30%, đặc biệt là ở phân khúc đất nền. Mức giá này tăng cao so với thực chất. Tuy nhiên, từ giữa năm đến cuối năm có hiện tượng giảm tương ứng tỷ lệ tăng.
Với phân khúc bất động sản công nghiệp, đầu năm 2022 khôi phục mạnh và ổn định, có thể xem là phân khúc là điểm sáng của thị trường bất động sản. Còn phân khúc bán lẻ tăng trưởng từ đầu năm đến hết quý 3/2022 nhưng đến cuối năm cũng có dấu hiệu chững lại.
Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.
Đánh giá thực trạng sức khỏe hiện tại của thị trường bất động sản, VARS nêu ra, nguồn cung hạn chế và không phù hợp. Trong bối cảnh nhu cầu duy trì ở mức cao, vì vậy, tạo ra một thị trường lệch pha, bất hợp lý và không thực chất.
Trong khoảng hai năm qua, có hàng ngàn dự án đã được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này đã làm nghiêm trọng hơn tình hình "đóng băng" tạm thời của thị trường bất động sản.
Thị trường tiền tệ bị Ngân hàng Nhà nước thắt chặt, tạo dòng tiền khó, làm giảm sức mua của thị trường.
Bên cạnh đó, chính sách đối với thị trường tài chính chưa ổn định. Việc huy động vốn phát triển của doanh nghiệp Bất động sản gặp nhiều khó khăn, càng làm khó thêm cho nguồn cung của thị trường. Thị trường bất động sản thanh khoản yếu, dòng tiền thu hồi khó đang làm nghẹt thở, tắc mạch của thị trường.
Phương Hoàng
Nhịp sống thị trường
 

Tin liên quan

30/12/2022
Chuyên gia chỉ ra những điểm bất thường của thị trường bất động sản

Chuyên gia cho rằng, điểm bất thường của thị trường bất động sản hiện nay là sự chênh lệch giá giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

29/12/2022
Hà Nội công khai danh sách xử lý 27 dự án 'ôm đất' chậm triển khai

Ngoài 27 dự án chậm triển khai vừa bị thu hồi, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

28/12/2022
Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng cho bất động sản

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có buổi hội thảo về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... nhằm giúp phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để "đóng băng".