Dự báo trong năm 2023, người mua bất động sản sẽ “thắt chặt hầu bao” để chờ đợi cơ hội mua nhà giá rẻ. Bên cạnh đó, những vướng mắc về pháp lý và rào cản vẫn tồn tại khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự giải quyết vấn đề thanh khoản dựa trên cân đối các nguồn lực nội tại.
Người mua chờ giảm giá
Theo khảo sát mới của Hội Môi giới bất động sản, 92% người được hỏi đã trả lời vẫn có ý định mua bất động sản; trong đó đa số thời gian dự kiến mua là sau 6 tháng tới. Theo đó, điểm sáng của thị trường bất động sản 2023 chính là lực cầu.
Năm 2023 cũng được đánh giá là năm bắt đầu giai đoạn phục hồi của thị trường bất động sản. Do đó, nhà đầu tư phải đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để lựa chọn được bất động sản mang giá trị thực sự.
Chứng khoán DSC đánh giá, nhu cầu sử dụng bất động sản vẫn còn nhưng đang gặp trở ngại do giá bán và lãi suất. Về mặt giá bán, sau đợt sốt đất 2020 - 2022, giá bất động sản nhiều khu vực tăng nóng, vượt sức mua của những người có nhu cầu ở thực (chủ yếu ở phân khúc trung cấp và bình dân). Trong khi đó, những người mua với mục đích đầu cơ cũng "thắt chặt hầu bao" để chờ đợi cơ hội mua nhà giá rẻ, kỳ vọng lợi suất cao hơn.
Về lãi suất, ở các Ngân hàng Thương mại đã tăng trung bình 3-4% trong 2022. Với 70-80% số người mua bất động sản sử dụng vốn vay, mức lãi suất neo cao trong 2023 sẽ tạo ra rào cản đáng kể cho quyết định mua của khách hàng. Nhà cung cấp bất động sản sẽ phải lựa chọn hạ giá bán để chạm mức định giá hấp dẫn nhằm thu hút cầu.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. "Bóng ma" lãi suất cao sẽ kìm hãm lạm phát trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản nói chung sẽ có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tuy nhiên, điểm thú vị của Việt Nam là chúng ta đã dẫn trước các thị trường khác nhờ tốc độ đô thị hóa 47%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa.
Lượng dân số ở tầng lớp trung lưu và giàu có ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung hạng C đang thiếu hụt khi các chủ đầu tư chạy theo các sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, chắc chắn nhu cầu căn hộ hạng C sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài.
Diễn biến thị trường sẽ cẩn trọng hơn
TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng FERI cũng nhận định, thị trường bất động sản năm 2023 đặt kỳ vọng rất lớn vào các chính sách đang được tiếp tục triển khai. Có thể kể đến Nghị quyết 43 (gói 350.000 tỷ) và Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 để thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành của nền kinh tế; hỗ trợ người dân thu nhập thấp sở hữu nhà thông qua gói hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản (tương tự gói 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 - 2016).
Trong trường hợp các chỉ đạo ưu tiên giải ngân các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, gỡ vướng các dự án chậm triển khai được xử lý sớm sẽ là tiền đề để khơi thông nguồn vốn và pháp lý cho thị trường. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống luật liên quan bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá,...) sẽ góp phần gỡ điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Chuyên gia cũng đưa ra dự báo, năm 2023, xu hướng phát hành trái phiếu giảm, tín dụng ngân hàng không biến động mạnh. Kỳ vọng hạn mức tín dụng thời gian tới sẽ tăng, tuy nhiên tín dụng cả năm 2023 có thể không có biến động mạnh do các chủ đầu tư và doanh nghiệp, khách hàng sẽ cẩn trọng hơn trước áp lực lãi suất khó giảm sâu.
Còn nhóm phân tích của Chứng khoán DSC cho rằng, sau cú sốt giai đoạn 2020-2021, thị trường bất động sản tích tụ quá nhiều loại rủi ro. Theo đó năm 2022 - 2023 sẽ là giai đoạn giải quyết và thanh lọc, tạo nền tảng cho chu kỳ bất động sản tiếp theo. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho những “kẻ mạnh” chiếm lấy niềm tin và thị phần.
DSC cho rằng, vẫn còn tồn tại những vướng mắc về pháp lý và rào cản khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, điều này đòi hỏi các đơn vị phải tự giải quyết vấn đề thanh khoản dựa trên cân đối các nguồn lực nội tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giảm áp lực tài chính bằng việc cắt giảm đầu tư và dàn xếp nhằm giãn nợ với trái chủ.
DSC đánh giá thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đi ngang hoặc suy yếu, có thể đến hết 2023. Sau đó, thị trường ổn định lại dưới các tác động của chính sách, những nhân tố yếu kém bị đào thải, những doanh nghiệp sống sót sẽ tiếp tục mở rộng và dẫn dắt giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, bất động sản chỉ quay trở lại tăng trưởng khi dòng tiền được khai thông. Dự kiến cuối năm nay, trong trường hợp dòng tiền có những dấu hiệu được nới lỏng trở lại thì sẽ là tiềm năng cho sự hồi phục của các doanh nghiệp bất động sản.
Minh Tâm
Nhịp sống thị trường
 

Tin liên quan

13/01/2023
Tin vui cho thị trường địa ốc 2023: Dòng vốn đổ mạnh, pháp lý gỡ vướng, hạ tầng giao thông được đầu tư

Sẽ còn những khó khăn khi thị trường địa ốc vừa trải qua một năm đầy biến động, song, bước sang năm 2023, loạt tin vui xuất hiện báo hiệu sự chuyển mình rõ nét theo hướng tích cực của kênh đầu tư này.

12/01/2023
Đi ngược dòng biến động thị trường, một phân khúc bất động sản được dự báo “sống khoẻ” năm 2023

Theo báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường mới đây, dù đối mặt với nhiều thách thức, song bất động sản công nghiệp vẫn có nhiều triển vọng trong năm 2023 khi giá thuê tăng, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp lớn.

11/01/2023
Thị trường bất động sản 2023 với những kịch bản xấu

Khi nguồn tiền vào thị trường bất động sản bị hạn chế, nhiều khả năng thị trường bất động sản tiếp tục bị thu hẹp, nguồn cung và tính thanh khoản đều giảm.