Khi thị trường BĐS TPHCM rơi vào khó khăn, việc chuyển hướng đầu tư sang tỉnh lẻ là giải pháp “dễ thở”.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc công ty DKRA Việt Nam, khẳng định rằng trong năm nay thị trường nhà đất tại TP.HCM tiếp tục "chững" lại, ít nhất là phải qua hết nửa năm mới có đà phục hồi. Chính điều này đang giúp đẩy mạnh dòng tiền "chảy" vào thị trường nhà đất tại những địa phương có lợi thế khác, bởi nhu cầu vẫn đang tăng cao ở mọi phân khúc.
"Bằng việc siết chặt giải quyết thủ tục đầu tư dự án mới, nguồn cung nhà đất tại TP.HCM sẽ giảm rõ rệt trong năm nay, thay vào đó nhiều chủ đầu tư đang ráo riết săn quỹ đất tại nhiều địa phương xa để tạo dòng tiền, kéo theo làn sóng đầu tư mới tại những khu vực mới nổi", ông Lâm cho biết thêm.
Cũng theo ông Lâm, các thị trường truyền thống hiện nay đang rơi vào tình trạng bão hoà, do vậy nhà đầu tư luôn tìm kiếm những yếu tố mới tại một số địa phương. Trong năm 2019, qua phân tích cho thấy một vài "điểm nóng" nhất của thị trường BĐS tỉnh xa phải kể đến là Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, bởi nơi đây đang hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà"!
"Trong đó, với những quyết sách mạnh mẽ cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, thị trường địa ốc những nơi này sẽ tiếp tục bùng nổ. Tại khu vực phía Nam, Đồng Nai đang được xem là điểm thu hút đầu tư mạnh nhất của thị trường địa ốc", ông Lâm nói thêm.
Vì sao chọn đầu tư thị trường tỉnh lẻ? Ông Bùi Quang Anh Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt, cho biết ngoài việc trung thành với phân khúc trung - cao cấp tại TPHCM, công ty chủ trương làm các khu đô thị, khu dân cư tại những đô thị có tiềm năng phát triển, mang lại lợi nhuận nhanh và cao, thiên về sản phẩm đất nền, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Quốc là 3 khu vực nằm trong chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới.
Ông Bùi Quang Anh Vũ phân tích: "TPHCM có những vị trí đẹp và không đẹp, tỉnh lẻ cũng vậy, có những vị trí không đẹp nhưng cũng có những vị trí đắc địa. Vấn đề là làm ở vị trí nào, chứ đừng phân biệt ở tỉnh lẻ hay TPHCM. Hầu hết các sản phẩm đất nền ở tỉnh lẻ được tung ra có lượng hấp thụ cao, đạt khoảng 86%".
Nhìn từ một khía cạnh khác, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán (Ngân hàng Công thương Việt Nam), cho rằng tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay ở mức 37,5% và dự kiến tăng lên 45% vào năm 2020. Tỷ lệ này thuộc hàng thấp so với các nước trên thế giới nhưng tốc độ đô thị hóa lại thuộc hàng cao của thế giới.
Con số này gợi mở các nhà phát triển BĐS, thay vì tập trung ở các thị trường như Hà Nội và TPHCM - những thị trường đã tương đối bão hòa - nên chuyển sang các thị trường lân cận có nhiều cơ hội tăng tỷ lệ đô thị hóa, các doanh nghiệp đi được theo hướng này sẽ bán hàng rất tốt.
Thật vậy, từ giữa năm ngoái, rổ hàng BĐS tại TPHCM đã ít dần, quỹ đất không còn nhiều, doanh nghiệp đã chuyển hướng khai thác thị trường các tỉnh. Sau khi thành công với việc phát triển dự án Biên Hòa New City tại tỉnh Đồng Nai với hơn 3.000 nền nhà, Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh tiếp tục đàm phán để phát triển nhiều dự án BĐS khác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cám Ranh (Khánh Hòa) có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đất Xanh Nam Bộ đang phát triển dự án nghỉ dưỡng Pearl Riverside rộng gần 120ha cũng tại Đồng Nai với mức giá chỉ từ 8 triệu đồng/m2,
Tương tự, Novaland mở rộng sang các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để làm dự án nghỉ dưỡng. Tại TP Bà Rịa, Novaland đang xem xét làm chủ đầu tư dự án lên đến 1.800ha có mặt tiền ở quốc lộ 51, hoặc vườn thú hoang dã Safari tại huyện Xuyên Mộc lên đến 500ha. Còn tại Cam Ranh (Khánh Hòa), đơn vị này cũng đang phát triển một dự án nghỉ dưỡng cao cấp dọc Bãi Dài...
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết: "Chúng tôi tập trung với kế hoạch phát triển mở rộng mảng BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là những địa phương giàu tiềm năng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cam Ranh… Để đi vào phân khúc này, chúng tôi có sự tích lũy về nguồn lực tài chính rất kỹ, đa dạng các kênh huy động vốn như phát hành cổ phần, trái phiếu".
Tại Long An, Tập đoàn Nam Long cùng các đối tác chiến lược cũng đang giới thiệu ra thị trường giai đoạn 1 của khu đô thị Waterpoint (rộng 355 ha) với khoảng 3.000 sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự. Vừa được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư, Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng chuẩn bị triển khai dự án nhà ở thương mại 4,9 ha với khoảng 713 căn tại Bến Lức. Bên cạnh các doanh nghiệp đến từ TPHCM, một số doanh nghiệp địa phương như Cát Tường, Trần Anh Group cũng gấp rút lên kế hoạch bán hàng giai đoạn mới của các dự án đã hiện hữu.
Tại Đồng Nai, thị trường bất động sản sẽ chào đón thêm một lượng lớn sản phẩm từ căn hộ cho đến đất nền trong năm 2019 này. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều “đại gia” tại Biên Hòa, TP.HCM ồ ạt rủ nhau về những khu vực ven sông hoặc gần sông ở các huyện mua đất làm nhà vườn. Điều này đã khiến giá đất các khu vực ven sông tăng cao gấp 2-3 lần.
Theo lý giải của ông Lâm, nguyên nhân tỉnh Đồng Nai đang được giới đầu tư chú ý nhiều là do từ khi có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thời gian di chuyển từ TP.HCM về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khoảng 2,5-3 giờ, tương đương thời gian từ TP.Biên Hòa đi lên. Đường sá đi lại thuận lợi, nhiều người có tiền bỏ 1-4 tỷ đồng mua một khu đất ven sông, ven hồ để trồng cây ăn trái và xây dựng nhà vườn để cuối tuần về hưởng thụ không khí trong lành, bình yên của làng quê. Có cầu ắt có cung, bất động sản ven sông, hồ trở thành kênh đầu tư sinh lời khá tốt được nhắm đến.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn Đồng Nai sẽ được đầu tư trên 33,3 ngàn tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông kịp thời kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục làm việc với Trung ương để thống nhất chủ trương triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống Metro số 1 kéo dài từ đoạn nhà ga Thủ Đức (TPHCM) qua địa bàn Đồng Nai.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết thêm, hiện nay địa phương đang mời gọi các tập đoàn trong và ngoài nước liên kết đầu tư vào các khu đô thị nhằm tạo ra những khu đô thị thông minh, phát triển bền vững. Do đó, thị trường tỉnh này đang đón nhận một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường BĐS.
Bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, cũng cho biết các tỉnh thành xung quanh khu vực TP.HCM trong những năm qua rất được quan tâm. Thuận lợi đầu tiên vì là đây là thị trường mới nổi, chưa được nhiều chủ đầu tư để mắt tới. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đang được đầu tư khép kín. Trong năm 2019, nhiều chủ đầu tư sẽ đưa ra thị trường các dự án tại khu vực vùng ven và đây là điểm nhấn trong thị trường bất động sản khu vực phía Nam.
Theo Nam Phong
Trí thức trẻ