Trong văn bản mới nhất gửi Thủ Tướng chính phủ, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp và thị trường BĐS hiện nay.

Ách tắc không được giải quyết, giá BĐS sẽ tăng

Theo HoREA, 3 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS đáng lo ngại khi nhiều dự án BĐS bị ách tắc hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời. 

Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; Làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở; Làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ BĐS; Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, đóng băng, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM tiếp tục kiến nghị UBND khẩn trương tháo gỡ - Ảnh 1.

Nguồn cung đang là câu chuyện đáng lo ngại trên thị trường BĐS

Đặc biệt, Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố). Nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực.

Theo HoREA, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả và cũng do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vừa vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.

“Hiệp hội nhận thấy quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh. Bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước”đại diện HoREA nhấn mạnh.

Khẩn trương giải quyết các dự án đang bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra

Trong văn bản gửi đi, HoREA kiến nghị UBND Tp.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị “đóng băng”, chờ rà soát, thanh tra nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công.

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị cho phép các chủ đầu tư hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra được tiếp tục giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính: Về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; Về xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; Về điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh ranh hoặc mục tiêu dự án theo quy định của pháp luật; Về cấp giấy phép xây dựng của dự án (bao gồm công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật); Về cấp "sổ đỏ" cho dự án; Về ký hợp đồng thuê đất; Về cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Về quyền của người mua nhà trong dự án, được thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà (bán, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê...) theo quy định của pháp luật.

Nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, đóng băng, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM tiếp tục kiến nghị UBND khẩn trương tháo gỡ - Ảnh 2.

Nếu được phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những ách tắc về thủ tục hành chính thì khó khăn của doanh nghiệp phần nào được tháo gỡ

Đối với người mua nhà, Hiệp hội cho rằng, người mua nhà đã giao kết hợp đồng mua nhà tại các dự án này và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, là bên vô can, ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án và cần được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục và khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản. “Hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn thành phố bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa được giải quyết xong. Sở Tài nguyên Môi trường gần như không nhận hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp. Đối với hồ sơ đã nhận thì bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất, Ủy ban nhân dân thành phố”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương rà soát, xác định giá đất phù hợp giá thị trường và thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án, có lý, có tình, có "chiếu cố" đến yếu tố lịch sử của dự án, để chủ đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, không để thất thoát tài sản công. Sau đó, chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án và làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.

Theo Phương Nga
Trí thức trẻ


Tin liên quan

28/03/2019
HoREA lo ngại nguồn cung BĐS tại TPHCM giảm mạnh, giá tăng

Lo ngại nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị khẩn trương giải quyết 9 ách tắc lớn nhất.

28/03/2019
Nhiều đại gia địa ốc tấn công thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau suốt thời gian nhà đầu tư (NĐT) đổ bộ làm “nóng” thị trường nhà đất Vũng Tàu, hiện tại nơi đây tiếp tục chứng kiến sự chuyển biến tích cực của các phân khúc. Các doanh nghiệp và giới đầu tư bắt đầu tấn công mạnh về đây, đón sóng hạ tầng. Theo giới chuyên gia, sau Long An, Đồng Nai, Bình Dương thì Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là tâm điểm hút người mua.

28/03/2019
Vì sao Co-working lại trở thành xu hướng mới ở Việt Nam?

Thị trường văn phòng ở Việt Nam đang nở rộ loại văn phòng dịch vụ “Co-working space”. Nó trở thành một xu hướng mới bởi tính cộng đồng cao, tiện lợi và linh hoạt, phá vỡ sự chia cách vật lý của văn phòng truyền thống.