Đây là thông tin được bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội đưa ra tại buổi Họp báo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2019.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, quý I/2019 tất cả các phân khúc đều ghi nhận sự sụt giảm lượng mở bán mới, nguyên nhân chính là do việc kinh doanh tạm dừng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội
Gia Lâm là thị trường tâm điểm
Bà Hằng xác nhận, thông tin đưa 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì) lên thành quận trong thời gian qua đã khiến thị trường bất động sản tại 4 khu vực trên có lượng giao dịch tăng đột biến.
Tại 4 thị trường trên, khu vực Hoài Đức, Gia Lâm có sự phát triển hạ tầng rất tốt, trong đó có nhiều khu đô thị đang triển khai, sẽ là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư.
So sánh về tiềm năng thị trường bất động sản tại 4 huyện được đề xuất lên quận, bà Hằng cho rằng hiện thị trường Gia Lâm được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt hơn cả. Bà Hằng phân tích: "Khu vực này có nhiều dự án đang được triển khai với quy mô lớn, bên cạnh đó khu vực cận kề Gia Lâm cũng có tiện ích hạ tầng sẵn sàng, bản thân việc di chuyển kết nối giao thông trong khu vực Gia Lâm cũng rất thuận lợi”.
Bà Hằng cũng lưu ý, trong 4 thị trường trên khu vực huyện Hoài Đức lại không hề “sốt” so với các thị trường còn lại.
“Sở dĩ như vậy là do Hoài Đức đã đón nhận thông tin quy hoạch từ rất lâu, bản thân Hoài Đức đã trải qua thời kỳ phát triển, thậm chí đã có các cơn sốt đất diễn ra, có những dự án đã được phát triển ở đây và thời điểm này có thể nói là giai đoạn hậu quả của một thời gian phát triển nóng. Chính vì lý do đó, Hoài Đức không phải là thị trường mới để đầu tư. Do vậy, thị trường bất động sản khu vực này không có sự thay đổi cũng là điều dễ hiểu”, bà Đỗ Thu Hằng phân tích.
Với huyện Thanh Trì, được đánh giá là thị trường sẽ được tính đến của các nhà đầu tư. Nhưng nếu về tương quan so sánh với các khu vực còn lại thì nó vẫn đứng sau thị trường Gia Lâm.
“Thanh Trì dường như được định hình là khu vực nằm cận kề các dòng sản phẩm trung bình nên bao giờ nó cũng tạo xu hướng dành cho người sử dụng cuối cùng nhiều hơn, lợi nhuận sẽ không mang lại nhiều so với các thị trường mới khác”, bà Hằng cho biết.
Thị trường căn hộ phát triển ổn định
Ở phân khúc căn hộ, Hà Nội ghi nhận khoảng 9.700 căn hộ được tung ra thị trường, giảm 36% so với quý IV/2018 nhưng tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Nội ghi nhận khoảng 9.700 căn hộ được tung ra thị trường
Theo bà Đỗ Thu Hằng, quý I/2019 các chỉ số tạm thời giảm, số lượng dự án ít hơn, nguồn cung trên tất cả các phân khúc đều giảm, nguồn cung sơ cấp giảm 34.000 căn trong đó nguồn cung mới trong quý I/2019 là 9.700 căn, giảm hơn so với quý trước.
Số lượng căn hộ bán được đạt khoảng 9.800 căn hộ, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giảm 14% so với quý trước. Căn hộ hạng B (trung cấp) tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 22.500 căn, tương ứng 65% thị phần.
Trong khi nguồn cung chững lại thì nhu cầu căn hộ tại Hà Nội vẫn rất lớn. Khối lượng giao dịch của căn hộ hạng B chiếm 70% tổng số giao dịch, giá bán trung bình khoảng 1.390 USD/m2. Mức giá này giảm 2% so với quý trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tuy các chỉ số tạm thời giảm nhưng so với cùng kỳ năm 2018 thì tỷ lệ lại tăng mạnh, nguồn cung sơ cấp tăng 43%, trong đó tỷ lệ căn bán được duy trì ở mức tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy chỉ số của thị trường tại căn hộ bán có thể nói là ở mức ổn định”, bà Hằng cho biết.
Cũng theo bà Hằng, dự báo sẽ có khoảng 44.000 căn hộ từ 34 dự án sẽ gia nhập thị trường trong tương lai tại Hà Nội. Trong đó, một số dự án lớn đang được triển khai tại huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh với diện tích hàng trăm héc-ta, góp phần phát triển hạ tầng, giảm áp lực dân số tại nội đô.
Theo Hồng Hương
Diễn đàn bất động sản