TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư bất động sản mà bên cạnh đó còn có Quảng Ninh, Khánh Hòa và còn nhiều nơi khác: Bình Thuận, Vũng Tàu…
Ý kiến trên được vị chuyên gia này đưa ra tại Hội thảo "Tiêu điểm Bất động sản quý I - Xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019" vừa diễn ra tại Thanh Hoá. Theo đó, mặc dù thị trường nhà đất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang bị giảm sút rõ rệt, đất nền vẫn sôi động trong quý I/2019, chung cư đứng thứ 2, và bất động sản khu công nghiệp đang trở thành lĩnh vực được nhiều người quan tâm.
Một số báo cáo tại hội thảo cho thấy, quý I/2019, trong 18 lĩnh vực thu hút FDI, bất động sản đứng thứ 2. Báo cáo kinh tế xã hội quý I/2019 của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh bất động sản tăng trưởng 4,75% so với cùng kỳ. Trên đà ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng sẽ có những bước phát triển thuận lợi.
Tuy nhiên thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chính sách quy hoạch, pháp luật, nguồn vốn, quỹ đất,…
Nhận định về thị trường bất động sản quý I/2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, quý I là thời điểm thị trường có sự thể hiện trầm lắng hơn với các giai đoạn sau do trong 3 tháng đã có 1 tháng rơi vào Tết.
Thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã chứng kiến 2 xu thế: cao cấp trầm lắng hơn, trung bình sôi động và đối với mảng cao cấp nguồn cung còn hạn chế nên dẫn đến giao dịch khó sôi động. Bên cạnh đó, phân khúc đất nền đang trở thành hình thức giao dịch tại các khu vùng ven, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Còn theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL tại Hà Nội, trong quý đầu tiên của năm 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã tạo ra những lợi thế cho bất động sản khi quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên toàn thế giới. Thông qua sự kiện này, bất động sản công nghiệp tiếp tục có cơ hội giới thiệu thu hút nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, thị trường trong quý I/2019 có vẻ trầm lắng là vấn đề truyền thống do nghỉ lễ. Thị trường TPHCM đi theo xu hướng trầm lắng hơn là do 2018, TPHCM có rất nhiều dự án quá trình phê duyệt bị kéo dài quá. Điều này thể hiện rằng, năm 2018, giải ngân cho dư nợ tín dụng của toàn thành phố thấp hơn các năm trước chỉ ở mức khoảng 14,3%. Sự trì trệ đó kéo theo thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý I/2019, các con số đều sụt giảm như nhiều đơn vị đã công bố, tổng lượng giao dịch thành công cũng không cao. Tại Hà Nội trong quý I có 5.206 sản phẩm mới được chào bán ra thị trường, nhưng giao dịch thành công chỉ đạt có 3.200 sản phẩm, sức hấp thụ thấp hơn nhiều so với quý IV/2018. Còn tại TPHCM, trong quý I, có 3.274 sản phẩm chào bán, trong đó, có gần 3.000 giao dịch thành công.
Công ty DKRA Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản TPHCM trong quý 1/2019. Theo đó, trong quý này, ngoại trừ phân khúc nhà phố/biệt thự và condotel có sự tăng nhẹ cả cung và cầu so với quý trước. Các phân khúc còn lại, bao gồm đất nền, căn hộ, biệt thự biển đều sụt giảm nguồn cung và lượng tiêu thụ.
DKRA Vietnam ghi nhận có khoảng 2 dự án đất nền mới đáng chú ý được mở bán trong quý 1/2019 (bao gồm 1 dự án mới và 1 giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung ứng ra thị trường khoảng 259 nền, bằng 24% so với nguồn cung của quý 4/2018. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86% nguồn cung mới, bằng 25% so với quý trước. Nguồn cung đất nền mới tập trung chủ yếu ở quận 9 của khu Đông và huyện Củ Chi của khu Bắc.
"Nhìn chung, thị trường giảm nhiệt cả cung và cầu. Giá bán đất nền không có nhiều biến động lớn kể từ giữa cuối năm 2018", ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho biết.
Cũng theo đơn vị này, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong quý 1/2019, đây là mức thấp nhất các quý từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, nguồn cung mới chỉ đạt 25% so với quý 4/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý 4/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Căn hộ hạng B dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, không có dự án mới căn hộ hạng C mở bán, căn hộ hạng A và hạng sang tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Giá bán căn hộ trong quý duy trì xu hướng đi ngang từ giữa năm 2018.
Phân khúc nhà phố và biệt thự: Ghi nhận thông tin thị trường cho thấy, có 3 dự án đáng chú ý của phân khúc nhà phố/ biệt thự được mở bán trong Quý 1/2019 (1 dự án mới và 2 giai đoạn tiếp theo dự án trước đó), cung cấp ra thị trường 183 căn, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 66% nguồn cung mới, bằng 34% so với cùng kỳ năm trước.
DKRA cho biết thêm thị trường có sự tăng trưởng nhẹ cả cung và cầu so với quý trước, nguồn cung chủ yếu tập trung ở khu Đông với các quận như Quận 9, Quận 2. Giá bán không có nhiều biến động và có xu hướng đi ngang.
Tương tự, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy trong quý này, nguồn cung sơ cấp đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm -34% theo quý và -57% theo năm. Ngoài việc chủ đầu tư còn ít căn trong rổ hàng, thủ tục pháp lý bị trì hoãn cũng như chủ đầu từ thay đổi kế hoạch mở bán dẫn đến nguồn cung mới giới hạn. Thị trường chứng kiến mức mở bán mới thấp, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm -38% theo quý và giảm -27% theo năm. Hạng C chiếm đa số nguồn cung mới với 85% thị phần, chủ yếu tập trung tại các quận ngoại thành như Quận 8 và 9.
Tổng lượng giao dịch đạt trên 6.400 căn hộ, giảm -42% theo quý và -52% theo năm. Lượng giao dịch trong quý thấp do kỳ nghỉ lễ của cả nước kéo dài trong tháng 1 và tháng 2. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 1 những năm gần đây thường thấp hơn 50%. Trong quý 1/2019, tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, tăng 5 điểm phần trăm theo năm.
Cũng theo báo cáo của Savills, các dự án mới chiếm 46% tổng lượng giao dịch, trong khi đó, các khu vực ngoại thành như Quận 8, Tân Phú và Bình Tân tác động lớn nhất tới tổng lượng giao dịch trong quý. Các căn từ 1-2 phòng ngủ tiếp tục thu hút người mua do phù hợp với nhu cầu để ở cũng như đầu tư.
Với nguồn cung sơ cấp hạn hẹp, giá căn hộ tại trị trường thứ cấp đang trở nên sôi động. Theo chính quyền địa phương, quá trình thẩm định pháp lý dự kiến sẽ bình thường trở lại trong năm 2019. Các danh mục có quy hoạch tổng thể và pháp lý rõ ràng đang thu hút nhiều nhà đầu tư và tăng dần giá trị.
Đứng trước tình hình này, chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những đô thị loại 2 ven biển - nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư - để tạo nhanh dòng tiền.
"Thị trường nào cũng có nhu cầu của riêng thị trường đó. Hiện nay, khi tình hình có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp đều đang có sự dịch chuyển mạnh về tỉnh xa, chứ không nhất thiết luôn lấy TP.HCM làm trung tâm. Thực ra, nhu cầu nhà ở tại tỉnh lẻ rất lớn nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác, cung cấp những sản phẩm giá trị thật cho khách hàng", ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho biết thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho hay những tháng đầu năm 2019 thị trường bất động sản bị ách tắc do hồ sơ pháp lý không được giải quyết. Điều này dẫn đến sụt giảm nguồn cung. Trong khi các chi phí khác bị đội lên. Điều này khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
"Từ đó, không còn cách nào khác, các tỉnh - thành xa đang trở thành lợi thế của nhiều nhà đầu tư BĐS TP.HCM. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành đang ráo riết thu hút nguồn vốn đầu tư một cách cởi mỡ hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn nên sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thị trường phát triển trong giai đoạn tới", ông Châu nói thêm.
Nam Phong
Nhịp sống kinh tế