Sau nhiều tháng đi ngang, thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 7/2019, cho thấy sự lạc quan của người mua đã quay trở lại.
Thị trường tích cực
Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), thị trường nhà ở Hà Nội đã chào đón 6.400 căn hộ trong quý III/2019. So với quý trước đó, số căn chào bán đã tăng khoảng 9%.
Về giao dịch, số căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội có mức tăng đột biến, tăng 67%. Đáng chú ý, nguồn cầu được dẫn dắt bởi nhu cầu mua ở thực, phản ánh thực tế sự tăng trưởng của thị trường nhà ở Hà Nội không phải đến từ hoạt động đầu cơ lướt sóng mà có tính bền vững rất cao.
"Nguồn cầu căn hộ trên thị trường Hà Nội đã vượt quá nguồn cung. Điều này đánh dấu tâm lý lạc quan của người mua đã quay trở lại", JLL nhận định.
Diễn biến giá nhà ở cũng thể hiện đà tăng nhiệt của thị trường khi giá sơ cấp đạt 1.473 USD/m2, tăng 3,5% theo quý. Nhìn vào mức giá 1.473 USD/m2 (khoảng 34 triệu đồng/m2), có thể thấy thị trường nhà ở Hà Nội neo rất chắc vào phân khúc trung cấp, thậm chí đang gần chạm tới ngưỡng cao cấp, phản ánh nhu cầu cao và sức mua bền vững của khách hàng.
JLL dự báo thị trường bất động sản Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục diễn biến sôi động. Giá bán căn hộ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng từ giờ đến hết năm 2019. Nhận xét này phù hợp với quy luật cuối năm của thị trường bất động sản nhưng cũng cho thấy thị trường đã vượt qua giai đoạn đi ngang để "lên ga" cho một đợt tăng trưởng mới.
Theo JLL, động lực tăng trưởng chính của thị trường Hà Nội trong quý III/2019 cũng như các năm qua là khu Tây. Chỉ tính riêng quý III/2019, khu Tây có số lượng căn hộ tiêu thụ tăng gấp 4 lần so với quý trước, tiếp tục vị thế dẫn đầu toàn thành phố.
Trong các quận huyện thuộc khu Tây, Nam Từ Liêm vẫn duy trì vai trò "anh cả" khi liên tục chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung, giao dịch. Sức nóng của tiểu thị trường Nam Từ Liêm được hỗ trợ rất lớn bởi sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng trong thời gian qua và đặc biệt là các cú hích trong tương lai gần.
Đơn cử tại Mỹ Đình, vào tháng 3 – 4/2020 sẽ diễn ra giải đua Công thức 1. Để tổ chức giải đua này, thành phố Hà Nội đang gấp rút xây dựng một loạt hạng mục hạ tầng từ giao thông đến tiện ích dịch vụ. Sức nóng của giải đua và việc đầu tư hạ tầng đã thúc đẩy giá bất động sản tại Mỹ Đình tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung toàn thành phố. Mức tăng trưởng giá này được đánh giá là bền vững bởi các dự án bất động sản tại đây sẽ được thụ hưởng lâu dài các tiện ích dịch vụ và hạ tầng giao thông. Một bằng chứng để tham chiếu là tại Malaysia, giá bất động sản cho thuê tại nơi tổ chức giải đua Công thức 1 đã tăng 30% - 50%.
Đầu tư bền vững
Trong bối cảnh thị trường đang bắt đầu vào một chu kỳ tăng trưởng mới, dòng tiền sẽ bắt đầu đổ vào nhiều hơn. Dưới góc độ đầu tư, có hai cách xuống tiền: mua đứt bán đoạn để chốt lời nhanh và nắm giữ lâu dài để sinh lợi bền vững.
Theo giới chuyên gia, cách thứ nhất đã không còn phù hợp, bởi sự tăng trưởng của thị trường nhà ở Hà Nội hiện nay là tăng trưởng dần đều chứ không sốt nóng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, việc nắm giữ lâu dài mang lại nhiều lợi ích hơn.
Nghiên cứu thị trường cho thấy người mua nhà tại Hà Nội hiện nay có tâm lý đầu tư lâu dài, thể hiện ở việc thích nắm giữ "ngôi nhà thứ hai", bất kể đó là căn hộ bán hay căn hộ nghỉ dưỡng.
Gốc rễ của tâm lý này là do sự kém hấp dẫn của các danh mục đầu tư khác. Ví dụ về lãi suất, tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, báo hiệu cho một tương lai cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Vn-Index vẫn đang loanh quanh mốc 1.000 điểm, chưa có sự đột biến nào khả dĩ, KBSV thậm chí nhận xét dư địa tăng trưởng trong quý IV/2019 là hạn chế. Ngoài ra, các kênh vàng, ngoại tệ từ lâu đã trở nên kém hấp dẫn do sự bất định quá lớn.
Trích bàì Ánh Dương
Theo Trí thức trẻ