Mặc dù có những nhận định thị trường BĐS năm 2020-2021 không mấy “sáng sủa” nhưng hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp đều kì vọng khả năng nguồn cung BĐS 2 năm tới sẽ tốt hơn năm 2019.Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, sự dồi dào trong nguồn cung của thị trường về cơ bản phụ thuộc khá nhiều vào sự phê duyệt chính sách của nhà nước, cho phép triển khai xây dựng và hoàn thiện các dự án mới. Điều này cũng sẽ là yếu tố kích thích sự phát triển các 1 hệ sinh thái BĐS, bao gồm nhiều ngành nghề như thiết kế kiến trúc, xây dựng, và chính bản thân sự phát triển của Chính phủ.
Vị Tổng giám đốc này cho rằng, rất khó để dự đoán chính xác khi nào thì các chính sách về nguồn cung thị trường sẽ được chính phủ nới lỏng, mặc dù vậy nhận thấy 1 xu hướng trên thị trường rằng rất nhiều các CĐT luôn sẵn sang ra mắt các dự án mới trong 1 khoảng thời gian ngắn ngay khi có được sự đồng ý về giấy phép của chính phủ. Chính vì vậy, thị trường có thể đặt kì vọng rằng nguồn cung hiện tại của thị trường sẽ được cải thiện trong vòng 2 năm tới, đặc biệt là trong phân khúc BĐS nhà ở.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam
Cùng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, nguồn cung năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019. Nếu nhìn đúng ra, năm 2019 số lượng dự án không nhiều nhưng về số lượng căn thì tương đương năm 2018. “Năm 2020, dự báo cả số lượng dự án và số lượng căn chào bán cao hơn bởi vì khá nhiều dự án bị trì hoãn do vấn đề giấy tờ pháp lý chưa hoàn thiện trong năm 2019, trong khi kế hoạch của CĐT đã đầy đủ rồi. Họ chỉ chờ đầy đủ pháp lý là cho dự án ra thị trường. Theo đó, nguồn cung được đưa từ năm 2019 sang năm 2020 sẽ nhiều hơn. Khả năng hấp thụ của thị trường dự báo cũng sẽ cao hơn năm 2019”, bà Dung nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, phân khúc trung cấp sẽ vẫn là loại hình tiêu thụ tốt nhất trên thị trường trong các năm tới. Bên cạnh đó, phân khúc BĐS hạng sang sẽ được người tiêu dùng nước ngoài đặc biệt quan tâm, giá có thể tăng 30% trong vòng 1 năm do nguồn cung khan hiếm. Khu Đông và khu Nam theo bà Dung tiếp tục là các khu vực có lợi thế về nguồn cung trong các năm tới.
Còn theo JLL Việt Nam, do chính sách của Chính phủ liên quan đến quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt, nguồn cung tương lai trong năm 2020 sẽ biến động khá mạnh, dao động khoảng 40.000 – 50.000 căn.
Nhu cầu và mức tăng giá phần lớn sẽ theo chiều hướng tích cực ở các dự án bình dân và trung cấp. Trong khi đó, dự án giá cao sẽ chứng kiến sự tiếp tục sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư. Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán lại có vẻ kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán đạt mức cao mới được ghi nhận.
Một số chuyên gia trong ngành lại cho rằng, nguồn cung thị trường BĐS năm 2020 chưa thể hiện sự sáng sủa hơn năm 2019. Nếu để pháp lý dự án hoàn thiện phải mất vài năm mới ra được. Theo đó, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc vào năm 2020 mà có thể đi ngang và tập trung nguồn cung vào một số chủ đầu tư lớn trên thị trường.
Đến thời điểm này cũng có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, thị trường BĐS năm 2020 có thể khắc nghiệt hơn năm 2019. Các doanh nghiệp BĐS có thể sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn khi mà những vướng mắc về pháp lý dự án, nguồn cung sản phẩm chưa được tháo gỡ.
Chưa kể, giá BĐS có thể tiếp tục tăng mạnh khi hệ số K liên tục điều chỉnh, năm sau cao hơn năm trước. Giá đất hiện đã rất cao, thường chiếm từ 20 - 25% giá thành BĐS (chưa kể đến chi phí giải phóng mặt bằng). Thời gian tới, giá đất càng lên thì càng đẩy giá bán nhà lên cao, đồng thời doanh nghiệp cũng càng khó tiếp cận đất đai và càng khó giải phóng mặt bằng.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, những khó khăn này sẽ tiếp diễn trong các năm tới, ảnh hưởng đến thị trường nói chung.
Hạ Vy
Theo Nhịp Sống Việt