Đánh giá về thị trường BĐS TP.HCM năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho rằng chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời.
Thị trường BĐS cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng trải qua 1 năm đầy biến động, bên cạnh khó khăn, thị trường cũng xuất hiện những điểm sáng tích cực.
Nhân dịp đầu năm mới 2020, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đã có những chia sẻ cùng VietNamNet về tổng quan về thị trường BĐS Thành phố năm qua cũng như những nhận định trong năm 2020.
Chào ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường BĐS TP.HCM thời gian qua?
Ông Lê Hoàng Châu: Trong 2 năm gần đây, tôi nhận thấy thị trường BĐS TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án bị “đứng hình” do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.
Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Sự ảm đạm của thị trường được thể hiện bằng những con số cụ thể, như 9 tháng đầu năm 2019, cả thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và thậm chí không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, giảm gần 31% so với năm trước.
Như vậy, có phải thị trường đang có nguy cơ khủng hoảng không, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho rằng về bản chất, thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn “đóng băng” năm 2011 – 2013.
Thị trường BĐSTP.HCM rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Tuy nhiên, do thị trường BĐS có "độ trễ"nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS TP.HCM hiện nay?
Ông Lê Hoàng Châu: Tôi nhận thấy, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS thành phố hiện nay là việc nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Tuy nhiên, từ giữa quý 3/2019, nguồn cung nhà ở đã có sự cải tiện, với 18 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn. Trong đó chiếm đa phần là căn hộ chung cư, với hơn 15.000 sản phẩm.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến nhiều dự án nhà ở thương mại “đứng hình”?
Ông Lê Hoàng Châu: Trong 3 năm qua, có nhiều dự án nhà ở thương mại bị dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triền khai. Từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến tháng 8/2018, số liệu của HoREA cho thấy có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có chủ trương đầu tư nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai.
Kể từ tháng 3/2017, đã có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư. Đến tháng 3/2019, cơ quan chức năng đã công bố cho 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.
Quy định về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, doanh nghiệp bị mất rất nhiều thời gian để được nộp tiền sử dụng đất.
Việc rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt độngvà thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
HoREA đã có những kiến nghị gì để tháo gỡ những vướng mắc này, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Từ những khó khăn trên, HoREA đã có nhiều kiến nghị và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao các sở ban ngành rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế của công tác đầu tư xây dựng hiện nay trên địa bàn Thành phố, từ đó có các đề xuất, kiến nghị xử lý, nhằm giải quyết công việc được nhanh và tốt hơn.
Để đẩy nhanh quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở, HoREA đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ông nhận định như thế nào về thị trường BĐS TP.HCM năm 2020?
Ông Lê Hoàng Châu: Những vướng mắc về thủ tục pháp lý là nguyên nhân chính khiến cho phần lớn các dự án nhà ở bị chậm triển khai trong năm 2019. Tuy vậy, giai đoạn cuối năm, thị trường đã có chuyển biến tích cực về nguồn cung sản phẩm nhà ở mới.
Do nhiều dự án sẽ được đưa ra thị trường sau một thời gian tạm ngưng nên tôi nhận định rằng sang năm 2020, nguồn cung sản phẩm nhà ở sẽ tăng trưởng trở lại, thị trường cũng sẽ sôi động hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Anh Linh
Vietnamnet
 

Tin liên quan

25/12/2019
Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 các địa phương không vượt quá 20%

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng bảng giá đất cụ thể của từng địa phương.

25/12/2019
Những con số đáng chú ý về thị trường BĐS cả nước trong năm 2019

Mới đây, tại diễn đàn về BĐS, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra những con số đáng chú ý liên quan đến thị trường BĐS cả nước trong năm 2019.

24/12/2019
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Có 5 cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước.