Đại dịch Covid -19 toàn cầu gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các ngành nghề kinh tế và bất động sản tại Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Khan hiếm nguồn cung BĐS Quý I/2020
Bất động sản là lĩnh vực chịu sức ép nặng nề trong cơn lốc đại dịch toàn cầu. Theo dự báo của các chuyên gia có thể đến cuối năm 2020 mới đi vào quỹ đạo, nhưng bất động sản có thể sẽ là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ nhanh chóng bởi các kế hoạch dài hạn của các chủ đầu tư.
Tâm lý của người đầu tư vào BĐS sẽ chờ đợi sau khi hết dịch, giá giảm sẽ xuống tiền đầu tư hoặc mua nhà. Tâm lý này xuất phát từ những trải nghiệm thực tiễn của thị trường BĐS qua từng giai đoạn khủng hoảng và giá của bất động sản sẽ có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này dự báo sẽ khó xảy ra trong thời điểm này. Hiện tại, theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đang ‘ẩn mình" trong quý I/2020 là do ảnh hưởng của chính sách giãn cách xã hội do đại dịch gây ra.
Đơn cử theo ghi nhận của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường quý 1/2020 vô cùng trầm lắng, nguồn cung, lượng giao dịch thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Toàn thị trường cả nước có 7 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Phân khúc nhà phố và biệt thự cũng chỉ có 8 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn, giảm 9% so với quý trước. Nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến cho giá BĐS không giảm như kì vọng của các nhà đầu tư dù đại dịch khiến cho các hoạt động như truyền thông, quảng bá, kinh doanh bị tạm ngừng.
Giá BĐS không giảm sau mùa dịch
Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, từ tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với các từ khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "biệt thự ven biển", "đầu tư bất động sản" đều tăng mạnh. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở, đầu tư vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Với tình hình đó, nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi, cụ thể Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 cho vay vào lĩnh vực bất động sản, giảm hạn mức vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn. Đây được xem là liều thuốc cần thiết nhằm phục hồi nền kinh tế và cả BĐS.
Mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng do tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp khiến hầu hết hoạt động trên thị trường bất động sản không diễn ra nhưng chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ được kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn tiếp tục cần được triển khai và thực hiện. Bất động sản là một sân chơi lớn và dài hơi, không chỉ dành riêng cho các chủ đầu tư mà cả các nhà đầu tư cũng cần nhìn xa để lựa chọn chiến lược phù hợp nhằm đảm bảo được hiệu quả và giá trị gia tăng bền vững.
Một số chuyên gia tài chính BĐS khẳng định, dịch Covid-19 có thể xem là "bài kiểm tra" đối với nền kinh tế của Việt Nam. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến sự quyết định đầu tư từ trong và ngoài nước đặc biệt là một lượng kiều hối lớn có thể đổ về sau khi dịch bệnh qua đi.
Trích bài viếtÁnh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế