Theo báo cáo quý 3/2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam, toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các Quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện.
Theo đơn vị này, trong quý tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 40,9%.
Ảnh hưởng Covid 19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề. Ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.
Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện .
Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các Sàn giao dịch nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.
Về nguồn cung, theo Hội này, toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các Quý trước trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện.
Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Về lực cầu, BĐS vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đâu tư ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao. Khách hàng, nhà đầu tư bắt đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm qua hình thức Online, tuy tỷ lệ đăng ký đặt mua qua hình thức Online chưa cao nhưng cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Ở thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng: Mặc dù trong thời gian qua, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gần như tê liệt vì giãn cách xã hội. Nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, các dự án phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2,280 sản phẩm. Tương đương tỉ lệ hấp thụ 31,6 %.
Một số tỉnh, TP ghi nhận có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Trong đó, Quảng Ninh là khu vực có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất.
Có thể nói, đây vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm đầu tư. Đặc biệt là các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các Chủ đầu tư có uy tin cao trên thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam sẽ cất cách và thăng hoa vào những năm tới.
Về thị trường bất động sản công nghiệp: Hiện nay, trên cả nước có khoảng 370 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 115.200 ha. Mặc dù Quý 3/2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid, nhưng hầu hết các khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Ngoài trừ một số tỉnh thành/TP có số ca lây nhiễm lớn và phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Giá cho thuê mặt bằng nhìn chung không biến động nhiều so với kỳ trước. Ảnh hưởng của thị trường bên ngoài, xung quanh các khu công nghiệp, nhà cho công nhân thuê bị trả lại nhiều, ước đạt trên 30%. Chủ cho thuê phải hỗ trợ giá trung bình 20-30% cho các đối tượng còn thuê. Bất động sản cung cấp dịch vụ không thiết yếu phục vụ xung quanh khu công nghiệp không thể hoạt động.
Bảo Anh
Theo Nhịp sống kinh tế