(Chinhphu.vn) - Đến ngày 16/4, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN). Ảnh:VGP/HT
Tăng trưởng ở 5 lĩnh vực ưu tiên
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021 của NHNN được tổ chức vào chiều 22/4 tại Hà Nội, phân tích thêm cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 11,52%, chiếm 24,78%).
Ước cuối tháng 4/2020, dư nợ lĩnh vực này khoảng 2,287 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với cuối năm 2020, chiếm 19,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,56%, chiếm 19,79%). Ước dư nợ đến hết tháng 4/2021 đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 279.075 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2020, chiếm 2,95% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,66%, chiếm 2,96%).
Ước cuối tháng 4/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 281.797 tỷ đồng, tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 234.321 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ trọng 2,48% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 giảm 1,74%, chiếm tỷ trọng 2,47%).
Ước đến 30/4/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 233.935 tỷ đồng, tăng 2,91% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32.470 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 5,26%, chiếm 0,35%). Ước đến tháng 4/2021, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 31.861 tỷ đồng, giảm 1,58 % so với 31/12/2020.
Lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hạ nhiệt
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), tính đến 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng BĐS chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Về cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với 31/12/2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng BĐS đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,75% so với 31/12/2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Ước cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020 (quý I/2020 tăng 1,45%, Quý I/2019 tăng 3,42%, quý I/2018 tăng 1,68%), cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (2,93%).
Lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, đến 28/2/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Dư nợ chứng khoán tập trung ở một số TCTD như: Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Techcombank (chiếm 12,46% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống)… Ước đến 31/3/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 45.326 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2020.
Còn tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tính đến 31/12/2020, tổng cam kết cấp tín dụng là 182.414 tỷ đồng, tổng số dư nợ tín dụng là 108.722 tỷ đồng, giảm 1,76% so với 31/12/2019, chiếm 1,18% tổng dư nợ nền kinh tế. Ước cuối tháng 3/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đạt 108.562 tỷ đồng, giảm 0,15% so với cuối năm 2020…
“NHNN đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách”, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Anh Minh
baochinhphu.vn