ảnh minh họa.
Trong khi toàn thị trường bất động sản đang có xu hướng tăng giá mạnh thì Đà Nẵng - Quảng Nam vẫn đứng im, thậm chí có những khu vực lao dốc trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự phục hồi của bất động sản khu vực này, nhờ hạ tầng đồng bộ và tiềm năng du lịch.
Từ năm 2017 - 2018 đến đầu 2019, sốt đất nền đến mức bong bóng đã tác động mạnh đến thị trường Đà Nẵng - Quảng Nam. Đến giữa 2019 cơn sốt hạ nhiệt và đi vào giai đoạn trầm lắng. Nếu giai đoạn 2017 - 2018 mức giá mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp tăng 80% - 100%/năm, tùy dự án, khu vực mức tăng khác nhau. 
Từ giữa 2019 đến 2021 cung - cầu suy giảm mạnh, mặt bằng giá bất động sản năm 2021 giảm trung bình khoảng 15% - 20%, cục bộ nhiều khu vực có mức giảm lên đến 30% - 35% so với năm 2019.
Việc suy giảm của thị trường đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 được giới phân tích cho rằng là tác động chính. Từ tháng 10/2021 dịch bệnh được kiểm soát, chiến lược chống dịch được thay đổi, hoạt động kinh tế và đời sống xã hội bắt đầu trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Chứng kiến từ khi thị trường tại Đà Nẵng vẫn còn nằm “bất động” trải qua chu kỳ phát triển nóng đến nay, anh Hồ Văn Nghiệp - môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cho biết, sau khi tổ chức APEC năm 2017 nhiều người đã kỳ vọng bất động sản tại khu vực này chuẩn bị “tung cánh” tương tự như Singapore. Do đó, không ít nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về mạnh dạn xuống tiền đầu tư, cùng đó, nhiều người đã sử dụng đòn bẩy tài chính với mong muốn thu được khoản lợi nhuận trong thời gian ngắn.
Sự hăng hái của nhiều nhà đầu tư đã thúc đẩy giá đất tại Đà Nẵng tăng nhanh chóng trong thời gian đó. Đến khoảng đầu năm 2019, thị trường khu vực này bắt đầu chững lại, cộng thêm sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu cắt lỗ, giảm giá từ 20 - 30% so với giá đỉnh mua vào.
Anh nghiệp cũng cho biết, trải qua 2 năm dịch bệnh, giá bất động sản tại Đà Nẵng tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi giá nhiều khu đất bắt đầu giảm từ 30 - 35% so với thời kỳ đỉnh cao đầu năm 2019.
Người môi giới này cho hay, các Khu vực Nam Hoà Xuân, Nam Cầu Nguyễn Tri Phương, Hoà Xuân,... vẫn có giao dịch nhưng rất ít và giá cũng giảm từ 20 - 35% so với đầu năm 2019. Khu vực ven biển trung tâm quận Ngũ Hành Sơn: giá giảm đáng kể từ 25 - 30% nhưng giao dịch rất ít, dường như không có. Khu vực ven biển Tân Trà, Đông Hải quận Ngũ Hành Sơn giá giảm từ 20 - 30%.
Tuy nhiên, người môi giới này nhận định, thời gian tới khi du lịch được hoàn toàn mở cửa bất động sản tại Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ quay lại thời kỳ “hưng thịnh”.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường Đà Nẵng trong năm 2021 đã có dấu hiệu hồi phục sau thời gian suy giảm do dịch bệnh.
“Bất động sản Đà Nẵng những năm qua sốt giá chung với cả nước nhưng thực tế không ảo bằng một số địa phương. Đây là thị trường được đầu tư sớm, trong bối cảnh nguồn hàng ít, lực cầu nhiều thì Đà Nẵng vẫn là thị trường tiềm năng, tạo được sức hút nhờ giá cả phần nào được kiểm soát” - ông Đính phân tích.
Đặc biệt, có một nghịch lý khó hiểu là giá đất ở Đà Nẵng nhìn chung còn thấp hơn cả một số khu vực ở tỉnh lẻ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, giá mỗi lô đất ở khu vực Bảo Ninh (Quảng Bình) được đấu giá lên tới 9 - 22 tỷ đồng cho 200 - 300m2; giá đất ở đường Hùng Vương (TP. Đông Hà, Quảng Trị) cũng có giá đất sốt 9 - 15 tỷ đồng/lô.
Trong khi đó, tại Hòa Xuân, Hòa Liên (Đà Nẵng) đất quy hoạch đẹp, hiện đại lại đang có giá dao động từ 1,7 tỷ đến 3 tỷ đồng/lô, tùy tiện ích có khu vực lên tới 7 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy giá đất tại đây đang rất thấp so với một số tỉnh, thành miền Trung, phản ánh chưa tương xứng với một đô thị như Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, giới phân tích thị trường cũng đã chỉ ra những tín hiệu tích cực mới giúp thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam phát triển trở lại ngay trong quý IV/2021 và các năm tiếp theo.
Ngày 15/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Từ cuối năm 2020 chính quyền TP. Đà Nẵng đã bắt đầu có những định hướng thay đổi cấu trúc phát triển kinh tế mang tính bền vững ổn định và sâu rộng hơn; sự phát triển các khu Công nghiệp, khu công nghệ cao của Đà Nẵng sẽ kéo theo một luồng lao động mới, thúc đẩy gia tăng dân số... Đây chính là những yếu tố nền tảng để cho thị trường bất động sản Đà Nẵng phát triển. 
Tương tự, tại Quảng Nam trong năm 2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa ra những mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%, năm 2030 khoảng 40%. Đặc biệt, đến 2025 lượt khách du lịch đạt 12 triệu.
Trong Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng CP ngày 24/2/2021 về phân loại đô thị thì một số đô thị tại Quảng Nam sẽ được nâng cấp từ nay đến 2025 và 2030. Cùng với tác động từ triển khai điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng, nhất là về kết nối giao thông giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong vùng. Việc nâng cấp các đô thị Quảng Nam cũng là động lực thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bao gồm cả bất động sản du lịch và nhà ở tại địa phương này.
Sau gần 2 năm khá trầm lắng, đã đến lúc thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam đứng trước cơ hội mới để trỗi dậy, trở lại tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình và để điều đó trở thành hiện thực, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của DKRA Vietnam, thị trường bất động sản Đà Nẵng có sự mất cân đối giữa các phân khúc. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền phân lô là hai phân khúc chủ đạo. Về thị trường căn hộ thì chỉ có căn hộ giá cao và thiếu căn hộ vừa túi tiền. Khách mua chủ yếu để đầu tư, mua đi bán lại.
“Thời gian tới rất có thể thị trường Đà Nẵng sẽ trỗi dậy theo đúng tiềm năng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngành du lịch Đà Nẵng phải nhanh chóng được khôi phục. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, thúc đẩy tiến độ các dự án động lực, trọng điểm làm đòn bẩy phát triển”, ông Hoàng cho nêu ý kiến.
Minh Tâm
Theo Nhịp sống kinh tế
 

Tin liên quan

22/02/2022
Đất nền khu vực này "đắt khách", sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới

Năm 2022, dự báo giá bất động sản tại Quảng Ngãi sẽ tăng bởi nhiều nguyên nhân, chủ yếu do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao vì khung giá đất năm 2021 được điều chỉnh tăng; giá vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng; thủ tục trong quá trình triển khai các dự án kéo dài do vướng mắc quy định của pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư. Cùng đó, nguồn cung giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến tăng giá.

22/02/2022
Loại bất động sản từng “ế ẩm” sẽ trở thành hàng “hot” trong thời gian tới

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi. Tuy nhiên, đến nay khi du lịch chuẩn bị được mở cửa hoàn toàn trở lại, chuyên gia cho rằng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ trở thành hàng “hot” trong năm 2022.

21/02/2022
Đất nền tỉnh âm thầm tạo “sóng” đầu năm

Nếu đất nền Tp.HCM im ắng về nguồn cung lẫn sức cầu thì đất nền tỉnh lân cận lại âm thầm tạo “sóng” đầu năm. Những lô đất có vị trí đẹp, giá biến động tăng nhanh so với thời điểm trước Tết.