Ngoài ra, thị trường BĐS nghỉ dưỡng gần đây là sự hình thành một phân khúc sản phẩm mới - bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài. Nhờ kết hợp được hai yếu tố, vừa là ngôi nhà thứ hai có sổ đỏ, pháp lý đầy đủ, vừa có yếu tố nghỉ dưỡng, các bất động sản này đã đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của khách hàng, nhà đầu tư vừa để ở vừa có thể kinh doanh sinh lợi.
Theo nhận định của JLL Việt Nam, mặc dù thị trường BĐS trong thời gian qua bị nén lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu tìm mua BĐS nghỉ dưỡng vẫn duy trì ở mức cao.
Nguồn cầu tăng mạnh ở các dự án có quy mô lớn phân bố ở các địa phương có tiềm năng và lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Mặt khác, việc thiếu các kênh đầu tư cùng với lãi suất tiền gửi thấp đã thay đổi xu hướng đầu tư của chủ sở hữu vốn nhàn rỗi sang các lĩnh vực có lợi hơn như BĐS.
Số liệu của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng,
nguồn cung tăng đáng kể ở loại hình biệt thự biển - tăng 46%, riêng nhà phố/shophouse biển có sự sụt giảm nguồn cung khoảng 39% so với quý trước. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới các loại hình condotel, biệt thự biển, tăng nhẹ trong quý 4, riêng nhà phố/shophouse sẽ duy trì ở mức tương đương quý 3/2021.
Tuy nhiên, tình hình cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh hoặc nới lỏng giãn cách xã hội tại các địa phương. Đa số dự án mới sẽ tập trung ở những thị trường truyền thống như:
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... Sức cầu chung có thể sẽ phục hồi phụ thuộc vào khả năng hoạt động giao thông và du lịch. Mô hình phức hợp nghỉ dưỡng tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường.
Chia sẻ tại talk show trước đó, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, khả năng đứng vững của du lịch Việt Nam sau Covid-19 phụ thuộc vào tiềm năng du lịch của chúng ta. Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch lớn về cảnh quan, văn hóa, lịch sử và con người rất thân thiện, mến khách. Trải qua quá trình hoạt động du lịch trong những năm vừa qua, chúng ta đã có sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, có sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực, đã được khu vực và thế giới công nhận. Với những cơ sở thực tiễn đó, du lịch Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ dẫn đầu khu vực và thế giới như những năm qua đã làm được.
"Theo tôi nắm được, có rất nhiều khách du lịch ở những thị trường quen của chúng ta như là châu Âu, Bắc Mỹ, khu vực Thái Bình Dương... đang rất mong chờ Việt Nam mở cửa để quay trở lại. Khách nội địa cũng vậy, sau thời gian bị nhốt ở nhà, mọi người đều có nhu cầu đi du lịch trở lại. Cái đó là một quy luật không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả các nước trong khu vực", TS Khương nhấn manh.
Với nhà đầu tư, theo vị chuyên gia này, đây là một cơ hội rất tốt nếu chúng ta sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, bởi vì các nhà đầu tư sẽ mất 1-2 năm để chờ thị trường du lịch hồi phục. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, là thời cơ tốt để lựa chọn sản phẩm đầu tư mà trước đây chúng ta không có cơ hội.
Chưa kể, với 3.000 km bờ biển của Việt Nam, trong khi những sản phẩm du lịch của Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai. Việt Nam chưa có những chuỗi giá trị, giúp cho 3.000 km bờ biển này phát huy tối đa hiệu quả. Du lịch resort hiện nay, du khách đến đó xong rồi đi ra ngoài ăn uống tham quan. Tỷ lệ quay lại một resort của một khách rất thấp.
"Bởi khi nói về hiệu quả của du lịch Việt Nam, người ta không tính về lượng khách đến hàng năm 15-18 triệu lượt/năm; mà tính về số lượng du khách quay trở lại. Du lịch là một ngành mang lại kinh tế rất lớn, chiếm 12% GDP nhưng nếu chúng ta làm tốt thì con số có thể còn hơn như thế nữa. Đây là bài toán rất lớn chúng ta cần phải xem xét", TS Khương chia sẻ.