ảnh minh hoạ.
Hai tháng đầu năm 2022, vốn ngoại vào bất động sản đạt gần 1,52 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ, con số này chỉ đạt gần 485 triệu USD.
Số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, từ đầu năm đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới từ đầu năm đến 20/2/2022 đạt 631,8 triệu USD với 183 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 80,9% về tổng số vốn nhưng tăng 45,2% về số dự án so với cùng kỳ năm 2021.
Lý giải việc vốn đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 là do sự thiếu vắng những dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Ngoài ra, sự tăng mạnh về số lượng dự án phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về kết quả phòng chống dịch Covid-19 cũng như môi trường đầu tư trong nước trong bối cảnh bình thường mới.
Trong khi giá trị vốn đăng ký mới giảm, giá trị dự án điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị vốn điều chỉnh tăng đạt gần 3,6 tỷ USD cho 142 lượt dự án, tăng hơn 220% về số vốn và tăng 23,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2021.
Với dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn nhất là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore), mức tăng vốn gần 941 triệu USD. Xếp thứ hai là dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), mức tăng vốn 920 triệu USD.
Đứng thứ ba là dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương. Đồng thời, có 400 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với trị giá đạt 769,6 triệu USD, giảm 10,1% về số lượt nhưng tăng 41,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn FDI thực hiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 phản ánh tiến độ giải ngân tốt hơn đáng kể khi Chính phủ kiên trì với chủ trương kiểm soát an toàn, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà Chính phủ nỗ lực triển khai trong thời gian qua.
Về lĩnh vực đầu tư, trong số 17/21 ngành kinh tế quốc dân nhận vốn FDI trong 2 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành đón nhiều vốn nhất với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Như vậy, chỉ riêng đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm tới 93,1% tổng vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm. Còn lại là đầu tư cho các ngành khác.
Về đối tác đầu tư, với vốn đầu tư ước tính hơn 1,7 tỷ USD, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai với 1,4 tỷ USD vốn đầu tư và Trung Quốc xếp ở vị trí thứ ba với 538 triệu USD vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về tiếp nhận vốn FDI với số vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước trong 2 tháng đầu năm. Xếp thứ hai là Thái Nguyên, thu hút 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước nhờ 2 dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn. Thủ đô Hà Nội xếp thứ ba, sau đó là các tỉnh Nghệ An, Long An…
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là các địa phương được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, có nhiều lực đẩy chính cho thị trường trong thời gian tới, bao gồm hàng loạt chính sách hỗ trợ về pháp lý bất động sản, dòng vốn FDI dồi dào đổ vào Việt Nam, nhu cầu nhà ở tăng cao và chủ trương đẩy mạnh đầu tư công.
"Năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản ở tất cả các phân khúc. Nguồn tiền này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và nhóm nhà đầu tư cá nhân", vị này dự báo.
Tuấn Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
 

Tin liên quan

28/02/2022
Rất nhiều người Sài Gòn chọn cách “bỏ phố về vườn”, BĐS vùng cao trở thành miếng bánh ngon hút dòng tiền nhà đầu tư

Chọn bất động sản tránh dịch là xu thế dễ nhìn thấy nhất sau dịch Covid-19. Trong đó, các khu vườn sinh thái trở thành dòng sản phẩm “ăn khách” bởi đáp ứng được nhu cầu vừa ở, vừa du lịch. Xu hướng làng vườn này đã xuất hiện từ năm 2021 và dần thay thế các khu phân lô bán nền phá nát quy hoạch.

25/02/2022
“Điểm sáng” của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá từ nửa đầu năm 2022

Trong bối cảnh khi các khu vực trung tâm đã cạn kiệt về quỹ đất, nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch về vùng ven vừa có quỹ đất rộng, lại có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Đặc biệt, giá đất ở những địa phương vùng ven còn khá mềm và nhiều tiềm năng sinh lợi nhuận.

25/02/2022
Giá bất động sản ở Hà Nội lập “đỉnh”

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá bất động sản ở nội thành Hà Nội tăng cao, tạo ra đỉnh mới khiến cho cơ hội đầu tư không còn cao. Các nhà đầu tư dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận để tìm cơ hội. Nhờ xu hướng này, áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao.