Với những biến động và xung lực từ nhiều phía, các chuyên gia dự báo năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng.
Bất động sản giữ vững "ngôi vua"
Vừa bước sang năm 2022, thế giới "chao đảo" với sự kiện xung đột địa chính trị Nga - Ukraina và diễn biến mới khi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc lần lượt tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Hậu quả nhãn tiền với nền kinh tế là tình trạng lạm phát leo thang, giá hàng hóa thiết yếu liên tục lập đỉnh mới.
Những mặt hàng tăng giá mạnh nhất có thể kể đến: dầu thô tăng khoảng 60% kể từ đầu năm - cao nhất trong 14 năm, giá nhôm lên mức cao kỷ lục, giá than gấp đôi, giá thép và xăng "dựng đứng"…
Các biện pháp trừng phạt Nga ngày càng gia tăng đã bóp nghẹt nguồn năng lượng, kim loại và nông sản quan trọng của thế giới. Tình trạng giá hàng hoá tăng phi mã như một cú đổ dầu vào ngọn lửa lạm phát vốn đang "cháy" bừng bừng.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 2/3, lạm phát Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 2 tăng lên mức cao kỷ lục 5,8%. Lạm phát tại Mỹ cũng chạm mốc cao nhất trong 40 năm. Riêng với Việt Nam, Dragon Capital dự đoán lạm phát có thể lên đến 4,18% trong năm 2022, vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra dưới 4%.
Trong chương trình "Bí mật đồng tiền" số mới nhất, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment cho rằng tình trạng "lạm phát đình đốn" sẽ ảnh hưởng rất xấu cho đầu tư chứng khoán. Lạm phát đình đốn được hiểu là hiện tượng lạm phát tăng rất mạnh nhưng nền kinh tế vẫn suy thoái và đi xuống, trái với quy luật thông thường chỉ có lạm phát khi kinh tế phát triển mạnh.
Vị này cũng dẫn chứng "mức lạm phát hơn 20% của năm 2008 và 2011 đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc rất mạnh". Nhiều chuyên gia cũng nhận định chứng khoán năm 2022 sẽ không còn cảnh "mua đâu thắng đó" như năm 2021, thanh khoản chững lại và chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc FED tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn do lãi suất tiền gửi thấp; kênh đầu tư vàng tương đối rủi ro do giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Trong bối cảnh bất định này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định dòng vốn đầu tư cá nhân hiện nay không có nhiều lựa chọn. Do vậy, dòng tiền vào bất động sản vẫn rất dồi dào, thậm chí tốt hơn 2021.
Hé lộ phân khúc triển vọng
Khảo sát trực tuyến hơn 1.000 người Việt được thực hiện bởi trang tin Batdongsan.com.vn mới đây đã cho thấy nhu cầu sở hữu bất động sản của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, 92% số người được hỏi dự định mua bất động sản trong tương lai. Có 80% người tham gia đang sở hữu ít nhất một bất động sản và 77% trong số đó đang muốn mua thêm một bất động sản trong khi vẫn giữ tài sản hiện tại.
Có thể thấy, trong quan niệm "ăn chắc mặc bền" của người Việt thì bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn và là kênh đầu tư hấp dẫn.
Du lịch "phá băng" tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng bứt phá
Đánh giá về phân khúc triển vọng của năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng tín hiệu tích cực từ dòng khách du lịch thời gian qua cùng với các chính sách phục hồi du lịch sẽ đưa bất động sản nghỉ dưỡng trở thành điểm sáng đầu tư trong năm nay.
Ông Đính cũng cho biết thêm, phân khúc bất động sản du lịch đã có sự cơ cấu lại. Những tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng đang dần thay thế cho những dự án nhỏ lẻ và hầu hết các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới đại đô thị du lịch chất lượng cao.
Trích bài viết của Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế